xuân

Dự thảo sửa đổi Nghị định 103/2024/NĐ-CP: Doanh nghiệp nông lâm vẫn gặp khó

Chính sách miễn, giảm tiền thuê đất được ban hành với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các ngành nghề ưu đãi, vùng địa bàn khó khăn, thể hiện rõ tinh thần nhân văn, tạo động lực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, tại tỉnh Đắk Lắk, hàng loạt doanh nghiệp nông, lâm nghiệp lại đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk và các sở, ngành liên quan cho thấy, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp nợ đọng tiền thuê đất là do giai đoạn trước năm 2024, dù chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đã được quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đất đai và nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng lại thiếu cơ chế phổ biến và hỗ trợ cụ thể trong triển khai. Hệ quả là hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp không nắm bắt được thông tin để kịp thời nộp hồ sơ xin miễn, giảm đúng quy định.

Tình trạng này diễn ra phổ biến tại các doanh nghiệp hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, nơi người lao động còn hạn chế trong tiếp cận thủ tục hành chính, trong khi hoạt động sản xuất lại gặp nhiều khó khăn do đất bị xâm canh, lấn chiếm, cơ sở hạ tầng yếu kém. Nhiều doanh nghiệp trong thời gian đó cũng không nắm rõ thủ tục kê khai miễn, giảm, dẫn đến bị “bỏ lỡ” chính sách một cách bị động.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 103/2024/NĐ-CP: Doanh nghiệp nông lâm vẫn gặp khó- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp không nắm rõ thủ tục kê khai miễn, giảm, dẫn đến bị “bỏ lỡ” chính sách được miễn thuế một cách bị động. Ảnh minh họa: Nguyễn Thảo

Đến năm 2017, khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc và thực hiện kiểm toán các công ty lâm nghiệp tại Đắk Lắk, cơ quan này đã kiến nghị truy thu toàn bộ tiền thuê đất giai đoạn 2006–2016 đối với hơn 17 doanh nghiệp, với tổng số tiền lên tới trên 54 tỷ đồng. Những khoản truy thu này được xác định là do các doanh nghiệp không nộp hồ sơ xin miễn, giảm đúng thời điểm.

Gánh nặng phát sinh, cộng với việc điều chỉnh đơn giá thuê đất qua các thời kỳ khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn đốn. Không ít đơn vị phải tạm ngừng hoạt động, bán tài sản để trả nợ, không có điều kiện lập phương án sử dụng đất, không thể tiếp cận vốn tín dụng, trong khi hàng chục nghìn héc-ta đất lâm nghiệp không được quản lý, chăm sóc đúng mức.

Một trong những nghịch lý lớn hiện nay là chính sách miễn, giảm tiền thuê đất – vốn nhân văn và ưu đãi – lại đang loại trừ chính những doanh nghiệp khó khăn nhất. Theo quy định tại khoản 3, Điều 51 Nghị định 103/2024/NĐ-CP, các đơn vị sự nghiệp công lập được phép miễn truy thu tiền thuê đất nếu chậm hoặc chưa làm thủ tục xin miễn, giảm trong thời gian được ưu đãi. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với doanh nghiệp ngoài công lập – vốn là lực lượng đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.

Cụ thể, điểm c, khoản 5, Điều 51, Nghị định số 103/2024/NĐ-CP chỉ cho phép miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân chưa làm thủ tục để được miễn giảm trước đây “cho thời gian ưu đãi còn lại” đối với người thuê đất chưa kê khai thủ tục miễn giảm giai đoạn trước đây”.

Bộ Tài chính đang thực hiện việc sửa đổi quy định cho phù hợp với tình hình mới, cụ thể là một số điều của Nghị định 103/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Nội dung dự kiến sửa đổi được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính vào ngày 24/5/2025, trong đó có ý kiến từ 02 doanh nghiệp và thành phố Hà Nội đề nghị được áp dụng chính sách truy thu miễn giảm như các đơn vị công lập, tạo tính công bằng minh bạch cho các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, Bộ Tài chính có ý kiến là chưa tổng hợp vào dự thảo do mới chỉ có ít đơn vị đề xuất nội dung này, đề nghị các bộ và địa phương liên quan có thêm ý kiến.

Như vậy dự thảo lần này tiếp tục không có sự điều chỉnh chính sách để giúp doanh nghiệp không bị truy thu “khoản nợ tiền thuê đất” mà đáng lẽ họ được miễn không phải đóng, chỉ vì không biết để làm thủ tục xin miễn giảm. Trong khi đó, Luật đất đai 2024 cũng không yêu cầu người sử dụng đất phải làm thủ tục xin miễn giảm như trước đây.

Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần họp Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp để kiến nghị không truy thu, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành phối hợp tìm hướng tháo gỡ. Tuy nhiên, kiến nghị này vẫn chưa được chấp thuận. Các doanh nghiệp tiếp tục rơi vào vòng xoáy nợ nần, đình trệ hoạt động, nhiều khu vực rừng bị bỏ trống do thiếu kinh phí bảo vệ, chăm sóc.