Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ và thách thức trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa - xã hội, cải cách thể chế, giáo dục, an ninh con người, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, Hội thảo là sự kiện học thuật và diễn đàn khoa học quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong cả nước công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, chia sẻ học thuật, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về các vấn đề có liên quan đến các vấn đề lý luận và thực tiễn của đất nước sau 50 năm xây dựng và phát triển.

Tham dự Hội thảo có hơn 400 đại biểu đến từ các cơ quan ban ngành Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Giám hiệu các đơn vị tổ chức Hội thảo gồm trường Đại học Công Thương TP.HCM, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG-HCM, trường Đại học Tài chính - Marketing, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đến từ các Trường đại học, Viện nghiên cứu và các doanh nghiệp, công ty trên cả nước. Hội thảo khuyến khích sự tham gia của các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên, nhằm lan tỏa tinh thần nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng thế hệ trí thức trẻ năng động, sáng tạo, có trách nhiệm với xã hội và đất nước.
Sau khi phát hành Thư mời viết bài, Ban Tổ chức đã nhận được 205 bài tham luận gửi về Hội thảo. Các bài tham luận đều được phản biện theo quy trình khoa học, các bài đạt chất lượng về mặt học thuật được lựa chọn xuất bản trong Kỷ yếu Hội thảo (có chỉ số ISBN).
Trong buổi hội thảo, có 05 báo cáo được trình bày bởi các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu lĩnh vực. Các báo cáo không chỉ mang tính lý luận chuyên sâu mà còn phản ánh những vấn đề cấp thiết trong thực tiễn phát triển của Việt Nam hiện nay:

Các diễn giả tham dự hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Kinh tế - xã hội Việt Nam sau 50 năm xây dựng, phát triển: Vấn đề lý luận và thực tiễn” sáng ngày 26/4
GS.TS. Lại Quốc Khánh - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội trình bày tham luận về Tư duy đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát huy nhân tố con người qua 50 năm thống nhất đất nước, nhấn mạnh vai trò trung tâm và đột phá chiến lược của con người trong quá trình phát triển bền vững đất nước.
TS. Phùng Ngọc Bảo - Vụ trưởng, trưởng cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam trình bày tham luận về Phát triển kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ giai đoạn “xé rào” đến hiện nay, khẳng định vai trò tiên phong của thành phố trong cải cách thể chế kinh tế.
PGS.TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing chia sẻ tham luận về Kinh tế - xã hội Việt Nam sau 50 năm: thành tựu, thách thức và định hướng tương lai, tập trung đánh giá những thành tựu và thách thức kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 50 năm, đồng thời đề xuất định hướng phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng trong giai đoạn tới.
PGS.TS. Đinh Ngọc Thạch - Nguyên Giám đốc Trung tâm Lý luận Chính trị - ĐHQG-HCM, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM chia sẻ tham luận Biện chứng đổi mới - ổn định - phát triển và vai trò đầu tàu của Thành phố Hồ Chí Minh, làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới - ổn định - phát triển, từ đó khẳng định vai trò “đầu tàu” của Thành phố Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển quốc gia.
Đại tá. PGS.TS Hà Trọng Thà - Trường Đại học An ninh Nhân dân trình bày tham luận về Sự phát triển nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo đảm an ninh con người từ năm 1975 đến nay, làm rõ chuyển biến trong tư duy chính trị - xã hội từ bảo vệ quyền cơ bản đến xây dựng một môi trường sống an toàn, ổn định và hạnh phúc.
Hội thảo khoa học quốc gia “50 năm phát triển kinh tế xã hội Việt Nam” khép lại với nhiều đề xuất giá trị, góp phần củng cố cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển trong thời kỳ mới - một Việt Nam hiện đại, bền vững, đổi mới và vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
N.Anh