Đại tá Nguyễn Văn Leo, nguyên Chánh Thanh tra Quốc phòng Quân khu 5, bên kỷ vật về các đồng đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 - Ảnh: VGP/Minh Trang
Theo Đại tá Nguyễn Văn Leo, cuối năm 1972 khi Mỹ thất thế tại chiến trường Việt Nam, Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng không giành được thắng lợi khả quan. Không lực Hoa Kỳ tung lực lượng ném bom phá hoại các đô thị miền Bắc nhằm tạo sức ép với ta tại Paris. Để đề phòng địch liều lĩnh tiến công ra địa bàn Quân khu 4, và xây dựng lực lượng tổng dự bị chiến lược, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Sư đoàn bộ binh cơ động 341 thuộc Quân khu 4.
Sư đoàn được thành lập ngày 23/11/1972 tại quê hương Bác Hồ, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, lấy tên là Đoàn sông Lam. Sau khi thành lập cho đến ngày 15/2/1975, Sư đoàn đón quân tại tỉnh Quảng Bình và huyện Vĩnh Linh làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng cơ động chiến đấu.
Từ thực tế chiến trường đầu năm 1975, thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, ngày 25/1/1975, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 341 vào tham gia chiến đấu tại chiến trường B2 miền Đông Nam Bộ. Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, ngày 15/2, những đơn vị đầu tiên của Sư đoàn xuất phát.
Sư đoàn hành quân bằng xe cơ giới theo đường Trường Sơn vào miền Nam, ngày nghỉ đêm đi để tránh bị địch phát hiện. Đến thị xã Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, các đơn vị chia ra nhiều hướng để chuẩn bị chiến đấu, Đại tá Nguyễn Văn Leo kể.
Đại tá Nguyễn Văn Leo bên những Bằng khen, Huân chương... vì cống hiến cho sự nghiệp cách mạng - Ảnh: VGP/Minh Trang
Theo lời Đại tá Nguyễn Văn Leo, lúc này Quân đoàn 4 đã có 2 sư đoàn tại chiến trường, Đoàn Sông Lam trở thành sư đoàn thứ 3 của Quân đoàn 4. Trận đầu tiên, đơn vị đánh địch tại Chơn Thành, tỉnh Bình Dương.
Tiếp đó, từ ngày 9/4 đến 21/4, đơn vị của ông tiếp tục chiến đấu tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Bình Dương. Ngày 27/4, đánh địch và giải phóng Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai rồi tiếp tục đánh địch ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, mở "cánh cửa thép" để tiến vào Sài Gòn.
Đại tá Nguyễn Văn Leo nhớ lại: Tối 29/4, sau khi giải phóng Biên Hòa, đơn vị được lệnh đánh địch ở phía bắc cầu Sài Gòn. Đến gần sáng 30/4, được lệnh lùi về đóng tại nhà thờ Hố Nai ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để củng cố lực lượng.
8h ngày 30/4/1975, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 nhận lệnh của Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341 thay mặt Quân đoàn 4 vào cắm cờ tại Dinh Độc Lập. Nhận lệnh, đơn vị lên xe tăng tiến vào trung tâm Sài Gòn. Tuy nhiên, dòng người quá đông nên đến 12h ngày 30/4/1975 đơn vị mới vượt qua được cầu Sài Gòn.
"Lúc xe chúng tôi vào đã thấy cờ của Quân Giải phóng cắm trên Dinh Độc Lập. Cảm xúc lúc này vui buồn khó tả. Vui vì là một trong những chiến sĩ tham gia trong chiến dịch và được chứng kiến thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc, đất nước đã được giải phóng. Nhưng cũng rất buồn vì nhiều đồng đội ngã xuống sau những trận đánh vừa qua", Đại tá Nguyễn Văn Leo xúc động chia sẻ.
Đơn vị của Đại tá Nguyễn Văn Leo giữ nguyên đội hình trước Dinh Độc Lập đến 16h chiều 30/4 thì được lệnh ra bảo vệ cảng Bạch Đằng (nay là bến Bạch Đằng). Sáng 1/5, đơn vị tham gia diễu binh ở một số đường tại Sài Gòn rồi về tiếp quản Cục Xã hội của chế độ Sài Gòn và đóng quân tại đây gần 1 tuần.
Sau này, người chiến sĩ Nguyễn Văn Leo tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp quân ngũ, được điều đi học ở Trường Sĩ quan Lục quân 2, ngành sĩ quan tham mưu.
Ông từng sang chiến trường Campuchia chiến đấu chống quân Pol Pot từ năm 1981-1988. Đại tá Nguyễn Văn Leo lần lượt kinh qua các chức vụ: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 733, Sư đoàn 315, Quân khu 5; Trung đoàn trưởng Trung đoàn 142, Sư đoàn 315, Quân khu 5; Tham mưu phó Sư đoàn 307, Quân khu 5; Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 2, Quân khu 5; Chánh Thanh tra Quốc phòng Quân khu 5 cho đến khi nghỉ hưu.
Với những cống hiến của mình trong hơn 10 năm trận mạc, vào sinh ra tử, Đại tá Nguyễn Văn Leo đã được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba… cùng nhiều bằng khen, huân, huy chương khác.
Minh Trang
Link nội dung: https://www.nhipsongsaigon.net/dai-ta-cuu-binh-su-doan-341-ven-nguyen-cam-xuc-ve-nhung-ngay-thang-tu-1975-lich-su-a130406.html