![]() |
Trạm tiếp nhận của đường ống dẫn dầu Druzhba giữa Hungary và Nga. (Nguồn: Getty Images) |
Mới đây, Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga dự đoán, giá dầu Brent trung bình năm 2025 sẽ ở mức 68 USD/thùng, giảm mạnh so với mức 81,7 USD/thùng được đưa ra trong dự báo tháng 9/2024. Đây sẽ là mức thấp nhất kể từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát làm giảm nhu cầu toàn cầu đối với mặt hàng này.
Nga có thể "thất thu"
Giá dầu Urals là mặt hàng chiến lược, có vai trò quan trọng đối với ngân sách của Nga vì doanh thu từ dầu khí chiếm 1/3 tổng doanh thu ngân sách của nước này. Giá dầu đang giảm mạnh do lo ngại về kinh tế toàn cầu và sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) tăng.
Xuất khẩu dầu là động lực chính của nền kinh tế Nga, vì vậy, mặt hàng này cũng trở thành tâm điểm của các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tin liên quan |
![]() |
Tuy nhiên, Moscow đã thành công lách mức giá trần 60 USD/thùng dầu thô vận chuyển bằng đường biển nhờ một "hạm đội bóng tối" hùng hậu, đưa dầu đi khắp thế giới.
Dù vậy, hiện tại, những nước mua dầu lớn của Nga là Ấn Độ và Trung Quốc đang ngày càng ngần ngại trước nguy cơ bị trừng phạt thứ cấp. Hai quốc gia này không còn mua nhiều dầu của Moscow như trước, cùng với việc giá dầu giảm sẽ khiến doanh thu của Nga giảm trầm trọng.
Nhà phân tích năng lượng Thomas O'Donnell có trụ sở tại Berlin (Đức) nhận thấy, giá dầu thô Ural giảm mạnh sẽ khiến ngân sách Nga "bị thương".
Theo cơ chế tài chính hiện tại, các khoản thu từ dầu bán ra với giá cao hơn ngưỡng 60 USD sẽ được chuyển vào Quỹ Phúc lợi quốc gia Nga. Ngược lại, khi giá dầu thấp hơn mốc này, quỹ sẽ phải trích nguồn để bù đắp thiếu hụt ngân sách.
Các chuyên gia nhận định, cứ mỗi USD giảm trên giá dầu sẽ khiến ngân sách Nga thất thu khoảng 160 tỷ Ruble (tương đương gần 2 tỷ USD) mỗi năm.
Nếu giá dầu duy trì ở mức 55 USD/thùng, tổng mức hụt thu có thể lên đến 0,9 nghìn tỷ Ruble, buộc chính phủ phải tìm giải pháp bù đắp phù hợp.
Lợi thế của ông Trump
Ông David Goldman, Giám đốc tại Novion Global cho rằng, đầu tháng 4/2024, giá dầu Urals đã giảm xuống quanh ngưỡng 53 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2023.
Dầu mỏ sẽ là mặt hàng giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump có đòn bẩy gây sức ép với Tổng Thống Nga Vladimir Putin trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. "Giá dầu thấp hơn có thể là con bài mặc cả tốt nhất mà ông Trump có", ông David Goldman nói.
Đầu năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt sâu rộng nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ Nga, làm rung chuyển thị trường năng lượng toàn cầu.
Lệnh trừng phạt nói trên nhắm vào các công ty dầu mỏ lớn của Nga như Gazprom Neft và Surgutneftegaz, cùng với hơn 180 tàu chở dầu và nhiều quan chức, lãnh đạo trong ngành năng lượng Nga, bao gồm Giám đốc điều hành của Gazprom Neft, ông Aleksandr Valeryevich Dyukov.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, các tàu bị trừng phạt chủ yếu thuộc "hạm đội bóng tối" của Nga - nhóm tàu đã lách các lệnh trừng phạt trước đó để tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ.
Khi giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt "bủa vây", theo các chuyên gia, ông Trump có thể sử dụng lời hứa bãi bỏ các lệnh trừng phạt nói trên như là "con bài mặc cả" trong đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, một báo cáo do LSE IDEAS, tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trường Kinh tế London (Anh) công bố gần đây cho thấy, giá dầu biến động có thể khiến hệ thống tài chính mong manh của xứ bạch dương chịu sức ép đáng kể.
Ông Luke Cooper, tác giả báo cáo trên khẳng định: "Dầu mỏ vừa là sức mạnh vừa là điểm yếu của Nga. Khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có xu hướng giảm, Moscow sẽ dặp khó".
Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo, giá dầu chỉ phục hồi khiêm tốn trong ba năm tới, với giá dầu Ural dự kiến trung bình là 61 USD/thùng vào năm 2026, tăng lên 63 USD/thùng vào năm 2027 và 65 USD/thùng vào năm 2028.
Tuy nhiên, nhà phân tích O'Donnell đưa ra quan điểm lạc quan rằng, ngay cả khi giá dầu ở mức 50 USD/ounce, gây tổn hại đến nền kinh tế thì điều này cũng không gây ra tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng cho Nga.