Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Quản lý thế nào?

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, giảm hàng loạt phường xã, đặt ra bài toán cấp bách về sắp xếp, sử dụng hiệu quả trụ sở dôi dư, nhất là trụ sở trên “đất vàng”. Do đó, quản lý, sử dụng khối tài sản công có giá trị lớn này, tránh bỏ hoang, lãng phí là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Bài 1: “Phố trụ sở” Hà Tây bỏ hoang 17 năm

Gần 17 năm sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, nhiều trụ sở công của Hà Tây cũ bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Những tòa nhà từng là biểu tượng của cơ quan hành chính giờ đây trở thành nỗi ám ảnh về sự lãng phí, mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho người dân.

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Quản lý thế nào?- Ảnh 1.

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Quản lý thế nào?- Ảnh 2.

Trụ sở Viện kiểm sát nhân dân Hà Tây cũ “cửa đóng then cài” nhiều năm, bên trong phòng ốc xuống cấp trầm trọng

Hoang tàn

Có mặt trên phố Tô Hiệu, quận Hà Đông - nơi từng là trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Hà Tây cũ một thời, phóng viên Tiền Phong tận mắt chứng kiến sự xuống cấp, đổ nát của nhiều trụ sở thuộc các cơ quan nhà nước một thời của tỉnh này. Trong đó, nổi bật là hai trụ sở nằm sát nhau tại khu vực số 30 và 32 đường Tô Hiệu. Theo tìm hiểu, cách đây 17 năm, nơi này là trụ sở của Viện Kiểm sát nhân dân (số nhà 30) và Đài PT&TH Hà Tây (số nhà 32). Tuy nhiên, do để hoang nhiều năm nên cả hai trụ sở đều đã xuống cấp trầm trọng.

Tại trụ sở Đài PT&TH Hà Tây cũ, phóng viên có mặt cũng đúng thời điểm bảo vệ tòa nhà kẽo kẹt kéo chiếc cổng sắt han rỉ cho một xe ô tô từ bên trong đi ra. Trụ sở này có tòa nhà 3 tầng mặt ngoài và 2 dãy nhà 2 tầng bên trong. Tổng diện tích của trụ sở là hơn 2.100m2. Cũng bởi không được sử dụng hiệu quả, nên các cánh cửa han rỉ, tường bong tróc, xập xệ. Phía bên ngoài người dân để la liệt các tấm biển hiệu, bàn ghế cũ nhếch nhác.

Sáng 17/4, tiếp xúc cử tri Hà Nội trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu định hướng việc sắp xếp trụ sở, tài sản công dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính. Theo Tổng Bí thư, những cơ quan, trụ sở dôi dư, trước hết sẽ ưu tiên cải tạo, sửa chữa làm trường học. Thứ hai, có thể sử dụng các cơ quan, trụ sở này thành cơ sở khám, chữa bệnh, trạm y tế phường... Thứ ba, có thể bố trí trụ sở, cơ quan dôi dư sau sắp xếp trở thành những nơi hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cho nhân dân.

Bảo vệ tòa nhà khi thấy phóng viên chụp ảnh liền hỏi: “Chú cũng là nhà báo hay sao. Mấy bữa trước, cũng có một số nhà báo đến đây chụp ảnh rồi viết bài. Chẳng hiểu sao đến giờ vẫn chưa có phương án giải quyết”. Một người dân cho biết, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, trụ sở hoạt động được một thời gian sau đó “bỏ hoang”, thỉnh thoảng mới có người đến để mở cửa ra vào, gần như không có hoạt động gì.

Nằm sát trụ sở Đài PT&TH là trụ sở của Viện Kiểm sát nhân dân Hà Tây. Trụ sở này gồm có 1 tòa nhà 3 tầng và 1 dãy nhà 2 tầng, tổng diện tích là hơn 1.300m2. Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, qua nhiều lần thay đổi, trụ sở này được bàn giao cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quản lý. Nhìn bên ngoài, tòa nhà lộ rõ sự hoang hóa, biển hiệu số nhà cũng không còn, dấu tích để nhận biết trụ sở là tấm phù hiệu ngành kiểm sát được khắc trên tòa nhà bong tróc rất nhiều.

Cách hai trụ sở trên không bao xa là trụ sở của Cục thống kê nằm ở số 55 Tô Hiệu. Điểm nổi bật của trụ sở này khiến ai đi ngang qua cũng phải ngạc nhiên, thắc mắc là sự đổ nát, tường loang lổ, bong tróc, cửa han rỉ. Phía bên ngoài được người dân tận dụng để làm nơi cắt tóc vỉa hè. Theo quan sát của phóng viên, trụ sở này có diện tích khoảng hơn 600m2. Bên ngoài được chia ra làm các ki ốt, bên trong là dãy nhà 2 tầng đổ nát. Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, trụ sở này được chuyển giao Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nay là Bộ Tài chính). Về sau, Tổng cục Thống kê điều chuyển nguyên trạng cơ sở nhà, đất này từ Văn phòng về Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng Công nghệ thông tin thống kê quản lý.

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Quản lý thế nào?- Ảnh 3.

Trụ sở Cục Thống kê tại 55 Tô Hiệu bị bỏ hoang nhiều năm, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: VĂN KIÊN

Trò chuyện với phóng viên, người cắt tóc vỉa hè cho biết, trước đây, có một cửa hàng sửa xe máy thuê và sử dụng. Nhưng mấy tháng nay, cửa hàng sửa xe đã chuyển đi chỗ khác nên cả tòa nhà để không. “Các cậu định thuê chỗ này hay sao? Hình như bây giờ người ta không cho thuê nữa thì phải. Cứ để tòa nhà hoang tàn, đổ nát thế này mất mỹ quan đô thị quá. Sao người ta không cho thuê, hoặc bán đi lấy tiền mà sử dụng vào việc khác”, người cắt tóc nói.

Không để lặp lại bài học cũ

Theo các chuyên gia, trong đợt sáp nhập cấp tỉnh, bỏ cấp huyện và sáp nhập cấp xã lần này, hàng nghìn trụ sở cơ quan hành chính có thể dôi dư. Do đó, việc xử lý hiệu quả các trụ sở này không chỉ tránh lãng phí mà còn có thể thêm nguồn lực lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, cùng với các giải pháp đồng bộ, minh bạch và quyết liệt.

Không chỉ tại phố Tô Hiệu, nhiều trụ sở khác trên địa bàn quận Hà Đông và các huyện thuộc Hà Tây cũ cũng chịu chung số phận. Trên phố Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) cũng có hàng loạt trụ sở bỏ hoang , nhiều hạng mục đã xuống cấp. Điển hình trong đó là dãy nhà thuộc số 5 Nguyễn Trãi và nhà 2A Nguyễn Trãi thuộc ngành tòa án. Trụ sở này trước đây thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tây. Sau khi Hà Tây sáp nhập với Hà Nội, dãy nhà 6 tầng này được chuyển giao cho Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Đến năm 2020, sở này chuyển về Khu liên cơ trên đường Võ Chí Công, tòa nhà bị bỏ hoang từ đó đến nay.

Không sử dụng nhưng vẫn “ôm” chặt “đất vàng”

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, các trụ sở trên được các đơn vị khai thác, sử dụng được một thời gian sau đó chuyển cho các cơ quan Trung ương quản lý. Cụ thể, trụ sở Đài PT&TH Hà Tây chuyển cho một cơ quan ở Trung ương; trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân Hà Tây chuyển cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quản lý, còn trụ sở Cục thống kê thì chuyển cho Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nay là Bộ Tài chính) quản lý. Trong thời gian đầu, các trụ sở này cũng “mở cửa” hoạt động nhưng chỉ được một thời gian thì “cửa đóng then cài”, bỏ mặc công trình xuống cấp.

Trao đổi với Tiền Phong, một nguyên lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, vấn đề sắp xếp trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước được bàn bạc kỹ lưỡng để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Nhiều trụ sở của tỉnh Hà Tây cũ đã được chuyển đổi làm trụ sở các sở, ngành của Hà Nội. Ngoài ra, một số trụ sở cũng được chuyển giao cho các cơ quan Trung ương quản lý và sử dụng.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận các trụ sở, thay vì đưa vào hoạt động hiệu quả, nhiều cơ quan chỉ biết “ôm đất”, không đầu tư, cải tạo, nâng cấp và sử dụng, dẫn đến công trình bỏ hoang và nhanh chóng xuống cấp. “Chỉ một đoạn đường ngắn trên phố Tô Hiệu thôi đã có mấy trụ sở bỏ hoang nhiều năm rồi. Vậy tới đây, khi bỏ quận, huyện, sáp nhập các xã, phường, dư thừa nhiều trụ sở thì không biết sắp xếp, sử dụng ra sao. Toàn “đất vàng”, “đất bạc” cả, không sử dụng, gây lãng phí rất lớn”, một người dân trên phố Tô Hiệu bức xúc nói.

Thành phố Hà Nội có ý kiến, các cơ quan “bất động”

Trước sự phản ánh của người dân và dư luận, được biết cuối năm 2024, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và các đơn vị liên quan đề nghị kiểm tra, rà soát, kê khai phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất gửi Bộ Tài chính xem xét phê duyệt. Trường hợp các bộ, cơ quan Trung ương không có nhu cầu sử dụng các cơ quan nhà đất nêu trên, đề nghị chuyển giao về địa phương quản lý xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tránh lãng phí.

Tuy nhiên, sau chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đến nay các trụ sở vẫn trong cảnh bỏ hoang, chưa biết đến bao giờ mới được sắp xếp để sử dụng hiệu quả.

Trụ sở không sử dụng, cần chuyển cho địa phương quản lý

Trụ sở dôi dư sau sáp nhập: Quản lý thế nào?- Ảnh 4.

Trao đổi với Tiền Phong về việc xử lý 3 trụ sở để hoang sau gần 17 năm Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục công sản – Bộ Tài chính cho biết, một số cơ quan trung ương muốn được đầu tư để thực hiện dự án mới. Quá trình này cần phải có thời gian nhất định. Tuy nhiên, với việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, các dự án trên có thể không còn phù hợp nữa. Do đó, vừa qua, Hà Nội đề xuất chuyển 3 cơ sở nhà đất trên về cho thành phố quản lý để giao cho các đơn vị khác trên địa bàn sử dụng hoặc thực hiện giao, cho thuê đất theo quy định về pháp luật đất đai.

Theo ông Thịnh, việc chuyển giao các cơ sở nhà đất trên về địa phương sẽ do cơ quan trung ương quyết định. "Về cơ bản, các cơ quan trung ương sẽ chuyển giao về cho địa phương quản lý. Trong tay địa phương có công cụ, từ quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất nên việc xử lý sẽ hiệu quả hơn", ông Thịnh nói.

Link nội dung: https://www.nhipsongsaigon.net/tru-so-doi-du-sau-sap-nhap-quan-ly-the-nao-a131474.html