Giá cà phê hôm nay 2/7/2025
Giá cà phê thế giới bật tăng trở lại với robusta, arabica tiếp tục giảm mạnh.
Chỉ số đồng USD (DXY) liên tục đi xuống, giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3,5 năm đã kích hoạt một số hoạt động mua bù bán khống trong hợp đồng tương lai cà phê trong ngày khóa sổ vị thế kinh doanh.
Giá cà phê arabica giảm khi các giới đầu cơ thúc đẩy bán ra trước các thông tin Brazil cũng được mùa arabica.
Các nhà dự báo thời tiết dự đoán điều kiện thời tiết thuận lợi cho việc thu hoạch tại các khu vực trồng cà phê rộng lớn ở Brazil.
Tuy nhiên, việc đồng Real của Brazil tiếp tục tăng giá so với USD, đạt mức cao nhất trong năm so với USD, thường sẽ khiến hoạt động bán ra bị hạn chế, do lợi nhuận quy đổi sang đồng Real của các nhà sản xuất bị giảm.
Thị trường cà phê trong nước tăng so với cùng thời điểm sáng qua. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhờ giá trị đơn hàng lớn từ các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nhận định của một số chuyên gia nông nghiệp, về ngắn hạn, giá cà phê vẫn trong xu hướng giảm do nhiều tín hiệu tích cực cho mùa vụ cà phđiBrazil - nguồn cà phê hàng đầu thế giới.
Xét về dài hạn, giá cà phê được đánh giá sẽ có thể tiếp tục giảm vì áp lực nguồn cung tăng lên trong thời gian tới. Các chuyên gia trong ngành cho biết, một “con sóng” giá cà phê chỉ có thể kéo dài 4 - 5 năm, sau đó điều chỉnh xuống. Hiện giá cà phê đang ở "cuối sóng" và hiện tại nhiều nước cũng đang lên kế hoạch tăng sản lượng.
Theo Jakarta Globe, Indonesia đang đặt mục tiêu vượt qua Việt Nam để trở thành nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, khi chính phủ nước này đẩy mạnh các nỗ lực tăng sản lượng trong nước và tận dụng nhu cầu toàn cầu đang gia tăng.
Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề lương thực Zulkifli Hasan cho biết, Indonesia hiện đứng thứ tư toàn cầu với hơn 700.000 tấn cà phê được sản xuất hàng năm. Ông tin rằng con số này có thể tăng đáng kể nếu áp dụng đúng chiến lược.
Bên cạnh Indonesia, đối thủ đáng lo ngại nhất với cà phê Việt là Brazil bởi nước này còn nhiều dư địa tăng sản lượng do tài nguyên, đất đai còn nhiều và truyền thống tổ chức sản xuất cà phê lâu đời, bài bản và quy củ.
Theo Bloomberg, Giám đốc điều hành của Illycaffè SpA, bà Cristina Scocchia dự báo trong 15 tháng tới, giá cà phê có thể giảm khoảng một nửa so với mức kỷ lục thiết lập hồi đầu năm do sản lượng từ Brazil cải thiện.
Còn tại Việt Nam, trong hơn hai năm qua, giá cà phê tăng mạnh nên nhiều hộ đẩy mạnh việc tái canh, nhiều diện tích mới trồng sẽ bắt đầu cho thu hoạch trong một vài năm tới, khiến nguồn cung tăng lên.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, giá sẽ không giảm sâu như thời kỳ khủng hoảng giá trước đây, khoảng 30.000 - 40.000 đồng, bởi những yếu tố đầu vào hiện nay đã khác, giá cả đầu vào cũng đã khác.
Giá cà phê trong nước ngày 1/7 tăng nhẹ 100 - 200 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Đơn vị tính: VNĐ/kg)
(Nguồn: giacaphe.com) |
Ghi nhận của Báo Thế giới và Việt Nam, chốt phiên giao dịch đầu tháng 7 (1/7), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2025 tăng 40 USD giao dịch tại 3.660 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 9/2025 tăng 36 USD, giao dịch tại 3.602 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2025 giảm 8,35 Cent, giao dịch tại 291,95 Cent/lb. Kỳ hạn giao tháng 9/2025 giảm 8,15 Cent giao dịch tại 286,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
![]() |
Giá nông sản hôm nay 16/4: Giá cà phê |
Giá tiêu hôm nay 2/7/2025
Giá hồ tiêu trong nước tăng liên tiếp vượt ngưỡng 140.000 đồng/kg.
Giá tiêu tăng mạnh liên tiếp, hôm nay tăng thêm 2.000 - 4.000 đồng/kg, đưa giá thu mua tăng trên 140.000 đồng/kg tại nhiều tỉnh thành.
Trong nước, theo nhận định ban đầu của chuyên gia, thị trường đang có hiện tượng gom hàng. Tuy nhiên nhiều nông dân và nhà đầu cơ hiện vẫn đang có xu hướng giữ hàng, chưa vội bán ra, với kỳ vọng giá sẽ phục hồi tích cực hơn trong quý III và quý IV năm nay. Cầu lớn hơn cung đẩy giá tiêu tăng mạnh trong 1 tuần qua là hợp với quy luật.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đưa ra nhận định trong trung và dài hạn, tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu có thể hỗ trợ giá tiêu tăng trở lại.
Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế điều chỉnh tăng mạnh giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam sau chuỗi lên giá của thị trường trong nước.
Nhận định về giá tiêu tuần trước, IPC cho hay thị trường hồ tiêu toàn cầu cho thấy xu hướng giảm. Hoạt động tại thị trường Mỹ vẫn ở mức thấp do chi phí vận tải liên tục biến động sau cuộc xung đột giữa Iran và Israel.
Tuần này, thị trường đang chờ đợi một mức thuế đối ứng hợp lý cho hồ tiêu Việt Nam vào thị trường Mỹ. Bất kỳ sự gia tăng nhu cầu nào cũng có thể khiến giá tiêu tăng trở lại trong nửa cuối năm 2025
Trong 17 ngày đầu tháng 6/2025, Việt Nam xuất khẩu được 11.721 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 79,1 triệu USD.
Nedspice Việt Nam, Olam Việt Nam và Simexco Đăk Lăk là 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất đạt 1.016 tấn, 804 tấn và 800 tấn. Trung Quốc và Mỹ là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt 1.904 tấn và 1.785 tấn.
Tại tỉnh Đắk Lắk, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 142.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đắk Nông (tỉnh Lâm Đồng), giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 142.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 138.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 138.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.
Tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu (TP Hồ Chí Minh), giá tiêu hôm nay ở mức 140.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg.
Còn tại khu vực Bình Phước (tỉnh Đồng Nai) giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 140.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg.
Thông tin thị trường xuất nhập khẩu
Năm 2025 tiếp tục là một năm nhiều biến động với bối cảnh chính trị, kinh tế toàn cầu phức tạp, nhất là sự điều chỉnh chính sách thuế quan của Hoa Kỳ ngay từ đầu năm đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành nông nghiệp và môi trường đã nỗ lực đạt tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 33,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt mục tiêu cả năm 65 tỷ USD, ngành sẽ tăng tốc mạnh mẽ trong nửa cuối năm.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã lên kịch bản và đưa ra các chỉ tiêu cụ thể cho các quý còn lại của năm 2025 như: quý III đạt từ 14 - 15 tỷ USD; quý IV tăng tốc xuất khẩu, tận dụng cơ hội nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng dịp cuối năm dương lịch, lễ, Tết để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng tốt đạt 16 tỷ USD trở lên.
Các mặt hàng như cà phê, chè, hồ tiêu hạt điều, cao su và sản phẩm chăn nuôi… tiếp tục được kỳ vọng giữ đà xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào mục tiêu 65 tỷ USD.
Ngành hàng cà phê ghi nhận kết quả bứt phá ngay trong nửa đầu năm với kim ngạch ước đạt 5,5 tỷ USD, tương đương kế hoạch đề ra cho cả năm. Mặc dù sản lượng cà phê Việt Nam chủ yếu tập trung vào vụ thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, khiến nguồn cung trong nửa cuối năm hạn chế hơn, tuy nhiên ngành vẫn có thể đạt mốc 7,5 tỷ USD vào cuối năm, tăng tới 36,9% so với năm 2024.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, cà phê Việt Nam tiếp tục khai thác các cơ hội thương mại mới, đặc biệt từ việc Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách tăng cường hợp tác tại châu Á và Trung Đông.
Cùng với đó là chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ cà phê robusta lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan. Trong dài hạn, khu vực Đông Bắc Á được đánh giá là thị trường trọng điểm có thể bù đắp cho sự suy giảm nếu thị phần tại Hoa Kỳ bị ảnh hưởng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân tích.
Ngành hàng điều đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD, tăng nhẹ 2,7% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc duy trì các thị trường lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc, ngành cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và điều chỉnh chiến lược xuất khẩu hướng đến các thị trường có nhu cầu cao nhưng hiện tại thị phần còn thấp như khu vực Trung Đông – đặc biệt là UAE và Ả Rập Xê Út.
Thị trường EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của hạt điều Việt Nam và đang có tốc độ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường này không đơn giản do các quy định chặt chẽ về sản phẩm phải được sản xuất bền vững, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và không làm mất rừng trong quá trình canh tác. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng cải tiến quy trình sản xuất, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cao su là một trong những ngành hàng chủ lực với kế hoạch xuất khẩu năm 2025 khoảng 3,3 tỷ USD, dù giảm nhẹ 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh thị trường truyền thống gặp khó, ngành cần đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Hàn Quốc – những nơi có nhu cầu tiêu thụ đang tăng mạnh nhưng vẫn chưa chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, ngành cũng tăng cường xuất khẩu sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam như Brazil, Nhật Bản, Đức, Malaysia… - những quốc gia có xu hướng nhập khẩu tốt trong thời gian qua. Đặc biệt, cần cải tiến khâu chế biến, nâng cao chất lượng để mở rộng xuất khẩu sang các phân khúc trung và cao cấp phục vụ ngành thời trang, nội thất tại EU. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và đạt các chứng nhận quốc tế như FSC là yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Sản phẩm chăn nuôi hiện được xem là nhóm hàng còn nhiều dư địa phát triển, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường đã chính thức mở cửa. Một số sản phẩm đã có mặt tại các thị trường có yêu cầu cao như thịt gà chế biến vào Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc); thịt lợn sữa đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh vào Hong Kong; trứng và các sản phẩm từ trứng gia cầm xuất sang: Singapore; Nhật Bản; Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc).
Để mở rộng thị phần, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ chủ động tìm kiếm các thị trường dễ tính, có thể đáp ứng ngay các quy định và yêu cầu kỹ thuật trong xuất khẩu. Cùng với đó, tiếp tục đàm phán mở cửa thêm một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Malaysia, Singapore cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như thịt, trứng gia cầm và thịt lợn.