Điểm cầu TPHCM trực tuyến với Hội nghị Chính phủ với địa phương tháng 6/2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đạt kết quả tích cực, người dân đồng thuận
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ cùng sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, TPHCM đã đạt được những kết quả kinh tế - xã hội tích cực, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới.
Đặc biệt, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại TPHCM sau sáp nhập được thực hiện đồng bộ, khẩn trương. 168 xã, phường thuộc thành phố đã chính thức vận hành mô hình mới từ ngày 1/7.
Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, đến thời điểm hiện tại, mọi hoạt động đều thông suốt, không có trục trặc trong giải quyết thủ tục hành chính, người dân đồng thuận và ủng hộ cao. Tuy nhiên, một số khó khăn còn tồn tại trong quá trình triển khai “hồ sơ phi địa giới”.
Trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo không có điểm nghẽn trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.
TPHCM cũng đang khẩn trương điều chỉnh, cập nhật quy hoạch theo phân công mới sau sáp nhập. Theo đó, thành phố sẽ định hướng trở thành trung tâm tài chính và công nghệ cao; Bình Dương là thủ phủ công nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển. Đây là định hướng mang tính chiến lược, giúp phân bổ hợp lý chức năng vùng và tạo động lực phát triển cho khu vực phía Nam.
Tại Bắc Ninh, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau khi hợp nhất các đơn vị hành chính, mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn tỉnh đã vận hành tương đối tốt, đặc biệt là tại các trung tâm hành chính công từ tỉnh đến xã, phường.
Công tác tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính diễn ra trơn tru, thông suốt, không phát sinh vướng mắc lớn. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra tại nhiều địa phương để nắm bắt thực tiễn, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đảm bảo bộ máy hoạt động đồng bộ ngay từ những ngày đầu.
Tại Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết, cùng với cả nước, Nghệ An đã hoàn thành sắp xếp 130 đơn vị hành chính cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Sau hai ngày đi vào hoạt động, nhìn chung thì dư luận nhân dân đánh giá tốt, nhất là trong cái việc giải quyết thủ tục hành chính, chưa xuất hiện các vấn đề nổi cộm.
Tỉnh đã công bố công khai địa chỉ trụ sở, danh mục thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính của tỉnh và cấp xã, công khai đường dây nóng của trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và của xã. Hoàn thành kết nối cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo vận hành thông suốt, liền mạch, không gián đoạn.
Khi đóng giao diện Cổng dịch vụ công của tỉnh, Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và 130 trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã đi vào hoạt động tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Trong hai ngày đầu, đã tiếp nhận và xử lý 2.603 hồ sơ – đứng thứ năm cả nước.
Tỉnh Nghệ An cũng đã giao thực hiện tạm cấp kinh phí ngân sách cho các xã, phường trên cơ sở dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao từ đầu năm để bảo đảm mức chi tối thiểu cần thiết cho ngân sách xã, phường sau sáp nhập.
Đồng thời rà soát hệ thống các văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh, các văn bản hướng dẫn của ngành để sửa đổi bổ sung, thay thế và ban hành mới, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định của Trung ương, nhất là các Nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền. Đôn đốc chỉ đạo quyết toán ngân sách, bố trí trụ sở, tài sản dư dôi sau sáp nhập, bảo đảm hiệu quả không để lãng phí trên địa bàn.
Điểm cầu Nghệ An trực tuyến với Hội nghị Chính phủ với địa phương tháng 6/2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Mô hình vận hành hiệu quả ngay từ ngày đầu
Một điểm sáng trong quá trình vận hành chính quyền hai cấp là phường Tân Phong (tỉnh Lai Châu) – đơn vị hành chính mới được sáp nhập từ hai phường, một xã của TP. Lai Châu và hai xã của huyện Tam Đường. Với diện tích 106 km², dân số trên 36.000 người, Tân Phong là một trong những phường có quy mô lớn sau sáp nhập.
Ngay từ ngày đầu hoạt động (1/7), bộ máy chính quyền phường Tân Phong đã vận hành đồng bộ. Các cuộc họp của UBND, HĐND, Đảng ủy, Mặt trận và các đoàn thể được tổ chức bài bản, xây dựng cụ thể phương án, nội dung, phân công trách nhiệm rõ ràng. Trung tâm hành chính công của phường vận hành thông suốt, tiếp nhận và giải quyết hơn 100 hồ sơ thủ tục hành chính trong hai ngày đầu, đảm bảo đúng thời gian quy định.
Về cơ sở vật chất và nhân lực, phường đã được bố trí trụ sở, trang thiết bị làm việc cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Công tác số hóa, phân loại hồ sơ từ các đơn vị cũ cũng được thực hiện đầy đủ.
Đại diện Phường Tân Phong, Lai Châu đánh giá bước đầu qua hai ngày vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cho thấy nội dung công việc đã thực hiện đúng tiến độ, bám sát hướng dẫn của tỉnh, của Trung ương. Cán bộ, công chức cơ bản có tinh thần trách nhiệm cao, đồng thuận và nhất trí nhận nhiệm vụ chuyên môn khi phường đi vào hoạt động. Trang thiết bị như máy tính, máy in, bàn ghế làm việc cơ bản đảm bảo và đáp ứng được yêu cầu công việc trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ, công chức cùng lúc phải giải quyết song hành hai công việc vừa cũ và việc mới, đặc biệt là trong 3 ngày (28, 29 và 30/6) để thực hiện các nhiệm vụ rà soát, bàn giao hồ sơ, tài sản, đảm bảo tiến độ, kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện, nên phần nào cũng ảnh hưởng đến thời gian và nguồn lực dành cho việc vận hành mô hình chính quyền địa phương mới.
Hơn nữa, hiện nay là các trụ sở làm việc của Đảng ủy và UBND vẫn ở hai địa điểm khác nhau, gây bất tiện trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức các hội nghị. Phường cũng đề xuất cấp có thẩm quyền tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm việc tại trung tâm dịch vụ hành chính công, tập trung vào các kỹ năng giao tiếp, sử dụng phần mềm và chuyển đổi số.
Thu Giang
Link nội dung: https://www.nhipsongsaigon.net/chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-van-hanh-thong-suot-ky-vong-but-pha-phat-trien-a139189.html