![]() |
Động lực từ tăng trưởng của nền kinh tế, kết quả đàm phán thương mại... sẽ là những yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2025. (Nguồn: HSC) |
Điểm sáng từ kỳ vọng nâng hạng thị trường
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại 6 tháng đầu năm 2025 trong trạng thái tích cực khi VN-Index kết phiên cuối tháng 6 ở mức 1.376,07 điểm, tăng 5,30% so với quý I và 8,63% so với cuối năm 2024. Đây cũng là mức tăng giá tốt so với các thị trường chứng khoán khác trong khu vực.
Ảnh hưởng tích cực lên thị trường là mức tăng trưởng vượt trội của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN30 với mức tăng giá ấn tượng của nhiều mã, nhóm mã. Mức tăng giá vượt trội của VN-Index và VN30 trong nửa đầu năm phần lớn đến từ nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, ngân hàng, điện - những doanh nghiệp đầu ngành ở các nhóm ngành được xem là ít chịu tác động của thuế quan. Nổi bật nhất là mức tăng giá đột biến của VIC (+135,8%), VHM (+91,8%), GEE (+248,8%), GEX (+109,5%), TCB (+38,7%)...
Công ty Chứng khoán SHS đánh giá, tiếp theo sự phục hồi và tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm, hiện tại thị trường đang vào giai đoạn cuối đàm phán thương mại, tạm hoãn áp thuế. Những ảnh hưởng thuế quan có thể dần phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III và quý IV/2025. Trong ngắn hạn, thị trường cần thời gian để hấp thụ và cập nhật các yếu tố cơ bản, đặc biệt là kết quả kinh doanh quý II/2025 của các nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thay đổi thuế quan.
Do đó, SHS nhận định, có 4 động lực chính cho thị trường trong giai đoạn cuối năm, đó là: Hoàn tất đàm phán thương mại với mức thuế đối ứng thấp hơn ban đầu; Nền kinh tế và doanh nghiệp duy trì tăng trưởng, lãi suất duy trì nền thấp; Kỳ vọng động lực tăng trưởng mới từ Nghị quyết 57-59-66-68-NQ/TW 2025 và Kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán.
Tính đến cuối tháng 6/2025, tổng vốn hóa toàn thị trường khoảng 310 tỷ USD, khoảng 65% GDP năm 2024. Vẫn được xem là mức tương đối hấp dẫn nếu xét triển vọng tăng trưởng, quy mô GDP năm 2025 và 2026. Định giá P/E của VN-Index ở mức 14,1 gần bằng mức P/E trung bình 03 năm (14,7) và trung bình 5 năm (16,7). Mức P/E Forward 11,54 vẫn được xem là tương đối hấp dẫn so với triển vọng tăng trưởng hiện nay.
SHS tiếp tục duy trì dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2025, VN-Index sẽ hướng đến vùng giá mục tiêu quanh 1.420 điểm với kỳ vọng thị trường được nâng hạng. Đồng thời, kỳ vọng giá trị giao dịch toàn thị trường duy trì tích cực trong nửa cuối năm, tăng trưởng so với mức nền thấp cùng kỳ năm 2024. Tính trung bình năm 2025, dự báo giá trị giao dịch toàn thị trường có thể tăng khoảng 10% so với năm 2024.
Trong khi đó, ở dự báo tích cực hơn, VCBS cho rằng, với kịch bản cơ sở, VN-Index được dự báo có thể đạt 1.555 điểm với P/E của VN-Index đạt 14,6x và EPS thị trường tăng 12%.
Còn ở kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm với Kỳ vọng nâng hạng thị trường, các chính sách mạnh mẽ và quyết liệt đẩy mạnh tăng trưởng và các bước tiến tích cực tiếp theo từ nghệ thuật ngoại giao linh hoạt.
VCBS ước tính P/E của thị trường Việt Nam sẽ dao động ở vùng 13.9x – 15.3x trong năm 2025 do trong những năm trở lại đây, VN-Index đang được định giá tương đương mặt bằng bình quân khu vực.
Chỉ số Index gia tăng có thể giúp thanh khoản bình quân tăng lên ít nhất là mức 26.000 tỷ đồng/phiên. Bên cạnh đó, khi được FTSE nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón dòng tiền khối ngoại ròng lên tới 1,3 – 1,5 tỷ USD trong quý III/2025 (bao gồm 950 triệu USD từ các quỹ ETF thụ động mô phỏng theo rổ chỉ số FTSE Emerging Markets Index và tỷ trọng vốn hoá của thị trường Việt Nam là 0,94%). Theo đó, giao dịch của khối ngoại cũng được kỳ vọng sẽ đảo chiều từ bán ròng sang mua ròng.
Đầu tư vào đâu nửa cuối năm 2025?
Xét theo diễn biến hiện tại, VCBS đánh giá, trong nửa cuối năm 2025, Bluechips (cổ phiếu vốn hóa lớn) vẫn tiếp tục là điểm đến của dòng tiền lớn với kỳ vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong bối cảnh các quốc gia lớn vẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ, cùng những áp lực về thuế thương mại đối ứng với Hoa Kỳ đã qua đi.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ hồi phục khi có tín hiệu tăng trưởng lợi nhuận bắt kịp nhóm Bluechips và đón nhận dòng tiền lan tỏa từ Bluechips.
Trong khi đó, dự báo theo ngành, SHS đã chọn ra một số nhóm ngành tiêu biểu trong nửa cuối năm 2025, bao gồm: Bất động sản dân cư, Dịch vụ tài chính, Ngân hàng, Vật liệu cơ bản và Hạ tầng.
Cụ thể, ngành bất động sản dân cư được dự báo tích cực nhờ Hành lang pháp lý giúp các doanh nghiệp triển khai dự án nhanh hơn. Đồng thời lãi suất duy trì ở mức thấp hỗ trợ chủ đầu tư giảm chi phí vốn, đồng thời hấp dẫn người mua nhà. Bất động sản dân cư cũng là ngành ít chịu các tác động tiêu cực do chính sách thuế quan của Mỹ.
Ngành dịch vụ tài chính-chứng khoán dự kiến được hưởng lợi nhờ kỳ vọng thị trường chứng khoán được FTSE nâng hạng. Các công ty chứng khoán tập trung vào phân khúc khách hàng tổ chức như SSI, VCI và HCM sẽ được hưởng lợi khi triển khai dịch vụ không yêu cầu ký quỹ, cùng dòng vốn dự kiến chảy vào thị trường Việt Nam.
Với nhóm ngân hàng, dù vẫn đánh giá thận trọng về xu hướng NIM, SHS vẫn duy trì đánh giá tích cực. Tăng trưởng tín dụng tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng ngành Ngân hàng. Nghị quyết 42/2017 được luật hóa, giao quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho Tổ chức tín dụng giúp hệ thống Ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, từ đó giúp khơi thông dòng vốn, tăng tài sản có sinh lời và cải thiện hệ số NIM. Đồng thời, định giá nhóm cổ phiếu Ngân hàng vẫn ở mức hấp dẫn. Dòng tiền sẽ hướng đến những ngân hàng có câu chuyện đầu tư về triển vọng tăng trưởng, hướng truyền thông mới làm tăng khả năng cạnh tranh, thu nhập bất thường hoặc hoàn thành tái cơ cấu.
Còn nhóm Vật liệu cơ bản như Thép hoặc Phân bón cũng được hỗ trợ nhờ nhu cầu phục hồi và các doanh nghiệp nhóm hạ tầng sẽ đứng trước nhiều cơ hội khi đầu tư công được đẩy mạnh.
Link nội dung: https://www.nhipsongsaigon.net/ky-vong-moi-cho-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-nua-cuoi-nam-2025-a139502.html