Luật hóa quyền riêng tư: Người dùng là chủ sở hữu dữ liệu
Phát biểu tại hội nghị, các chuyên gia thống nhất rằng quá trình số hóa ngành tài chính, ngân hàng đang đòi hỏi khung pháp lý vững chắc và chiến lược bảo mật toàn diện.
Hai văn bản quan trọng là Thông tư 50, 64/2024 của Ngân hàng Nhà nước và Dự thảo Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân không chỉ là “hướng dẫn kỹ thuật” mà đang định hình lại cách doanh nghiệp vận hành.
Ông Nguyễn Việt Hà – Giám đốc Hoạch định An ninh thông tin Techcombank nhận định: “Chúng ta không chỉ đang nói về thông tin mà là quyền dữ liệu. Người dùng có quyền yêu cầu không xử lý hoặc xóa bỏ dữ liệu của họ. Đó là nền tảng của một xã hội số tôn trọng cá nhân.”
![]() |
Ông Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh quyền của người dùng và chủ quyền dữ liệu được quy định rõ trong các khuôn khổ pháp lý của Việt Nam và quốc tế |
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, khi dữ liệu trở thành một tài sản chiến lược, trách nhiệm bảo vệ và minh bạch trong xử lý không còn là tùy chọn mà là yêu cầu bắt buộc.
Tại sao bảo mật phải luôn đi trước một bước?
Tại hội nghị, Ông Athit Worasawad - Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Công ty Bảo mật Ứng dụng di động và Danh tính số V-Key đưa ra một thống kê đáng chú ý: “88% người Việt Nam đã chuyển sang giao dịch không dùng tiền mặt trong năm 2023”. Sự tiện lợi này cũng mở ra cánh cửa cho hàng loạt nguy cơ mới như ứng dụng ngân hàng giả mạo,...
Công nghệ chip bảo mật ảo (Virtual Secure Element) được giới thiệu như một giải pháp thay thế hiệu quả cho phần cứng, giúp tăng cường xác thực và bảo vệ ứng dụng khỏi tấn công đảo ngược hay can thiệp trái phép.
Tự động hóa an ninh – Đòn bẩy mới trong quản trị dữ liệu
Ông Vũ Thành Công – Giám đốc Sản phẩm tại Nessar – mang đến một cách tiếp cận toàn diện cho bài toán an ninh mạng hiện đại. Theo ông, doanh nghiệp không thể chống lại tấn công tự động bằng các giải pháp thủ công.
Nessar vì thế đã phát triển một nền tảng an ninh thông tin “tất cả trong một”, tích hợp công nghệ AI, dữ liệu ảo hóa và che giấu dữ liệu thời gian thực, giúp giám sát và bảo vệ hệ thống từ cấp độ ứng dụng đến trung tâm điều hành.
“Chúng tôi đặt mục tiêu tự động hóa tới 80% quy trình bảo mật để giảm tải cho nhân sự và tăng tốc phản ứng với sự cố,” ông chia sẻ.
![]() |
Giải pháp ông Vũ Thành Công đưa ra nổi bật ở cách tiếp cận phòng thủ nhiều lớp như “mặc nhiều lớp áo mỏng” giúp phân tán rủi ro và tăng khả năng phát hiện tấn công sớm |
Giải pháp của Nessar nổi bật ở cách tiếp cận phòng thủ nhiều lớp, như “mặc nhiều lớp áo mỏng”, tích hợp các công nghệ như Interflow, MISA và AI/NLP. Cách tiếp cận này không chỉ giúp phát hiện sớm các rủi ro mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ Thông tư 09, 50 và các tiêu chuẩn quốc tế như GDPR, ISO 27001.
Giáo dục là nền tảng phát triển hệ sinh thái an ninh mạng bền vững
Bên cạnh công nghệ và khung pháp lý, vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực an ninh mạng cũng được đặt lên hàng đầu. Theo TS. Hoàng Việt Hà – Giám đốc Swinburne Vietnam - Tập đoàn FPT, hội nghị là nỗ lực kết nối các trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế nhằm hợp tác đào tạo chuyên sâu về an ninh mạng.
“Nếu không có sự hỗ trợ hiệu quả từ các tổ chức giáo dục, quá trình chuyển đổi số – đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”, ông nhấn mạnh.
![]() |
Theo TS. Hoàng Việt Hà, muốn chuyển đổi số thành công, giáo dục và doanh nghiệp phải cùng hành động |
Tại Swinburne Vietnam, ngành An ninh mạng hiện là một trong những chuyên ngành được đầu tư mạnh, với chương trình đào tạo bám sát thực tiễn và gắn kết chặt chẽ với hệ sinh thái doanh nghiệp. Sinh viên không chỉ được tiếp cận kiến thức nền tảng mà còn có cơ hội thực hành và tham gia vào các sự kiện chuyên môn.
Hội thảo mở ra kỳ vọng về hợp tác liên ngành
Cyber Law Compliance Summit 2025 cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường – doanh nghiệp – nhà quản lý là yếu tố tiên quyết để xây dựng hệ sinh thái số an toàn. Sự kiện là bước khởi đầu hình thành mạng lưới chuyên gia an ninh mạng, tạo điều kiện cho Việt Nam chủ động hơn trong việc ứng phó với các mối đe dọa không gian mạng.
Trong tương lai, chuyển đổi số sẽ không thể tách rời an ninh mạng. Việc tuân thủ pháp lý và nâng cấp hệ thống bảo mật không còn là lựa chọn – mà là yếu tố sống còn để đảm bảo sự ổn định, lòng tin và tăng trưởng bền vững cho các tổ chức tài chính – công nghệ Việt Nam.
Link nội dung: https://www.nhipsongsaigon.net/khong-co-an-ninh-mang-chuyen-doi-so-se-la-con-dao-hai-luoi-a139570.html