Bộ tiêu chí nông thôn mới tăng tính chủ động cho địa phương

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã được xây dựng trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành và địa phương (từ cuối năm 2024), đồng thời xin ý kiến tại một số cuộc họp trong 6 tháng đầu năm 2025.

Bộ tiêu chí nông thôn mới tăng tính chủ động cho địa phương- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 25/7 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn tới.

Về việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết: Bộ tiêu chí đã phát huy vai trò là công cụ trọng yếu giúp các địa phương lập kế hoạch, tổ chức triển khai và giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, nhiều tiêu chí đã đạt tỷ lệ thực hiện cao, cụ thể, 7 tiêu chí như: Quy hoạch, Thuỷ lợi và phòng chống thiên tai, Điện, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Thông tin và truyền thông, Giáo dục và đào tạo, Quốc phòng và an ninh, đã có trên 95% số xã đạt. Vùng Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước về tỷ lệ xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, vẫn còn những tiêu chí có kết quả hạn chế như thu nhập, giảm nghèo đa chiều, môi trường và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 ban hành muộn (tháng 3/2022) ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện ở các địa phương...

Ông Sơn cho biết, trong giai đoạn 2026-2030, Bộ tiêu chí sẽ tiếp tục được cập nhật với nhiều điểm mới như phân chia thành 3 nhóm xã theo mức độ phát triển để áp dụng mức độ tiêu chí phù hợp; bổ sung Bộ tiêu chí xã nông thôn mới hiện đại, không quy định về xã nông thôn mới kiểu mẫu mà địa phương quy định và thực hiện phù hợp với thế mạnh nổi trội của từng địa phương; tăng cường phân cấp cho địa phương; đồng thời đảm bảo lồng ghép hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia khác, đặc biệt là Chương trình giảm nghèo bền vững.

Tại hội thảo, đại diện các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực đóng góp ý kiến xoay quanh các tiêu chí nông thôn mới trong lĩnh vực văn hóa, an ninh trật tự, đồng thời giới thiệu tiêu chí hạnh phúc, tiêu chí làng thông minh. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng những đóng góp này sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2026-2030.

Nhiều đại biểu tham gia hội thảo nhất trí với Dự thảo Bộ tiêu chí đối với xã, phân chia thành 3 nhóm xã theo mức độ phát triển, gồm:

Xã nhóm 1 là xã nghèo, hoặc xã khu vực II (xã khó khăn) và xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Xã nhóm 2 là xã có diện tích đất nông nghiệp chiếm từ 70% trở lên so với tổng diện tích đất tự nhiên của xã.

Xã nhóm 3 là xã có địa giới hành chính của xã tiếp giáp với phường và có mật độ dân số tại thời điểm ngày 1/7/2025 từ 1.000 người/km2 trở lên, hoặc xã được hình thành từ việc sắp xếp với thị trấn (trước thời điểm ngày 1/7/2025), hoặc xã có tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế dưới 10%, hoặc xã được định hướng là đô thị mới.

Đối với các xã, Bộ tiêu chí gồm 9 tiêu chí: Quy hoạch; Hạ tầng kinh tế - xã hội; Kinh tế nông thôn; Chất lượng nguồn nhân lực; Văn hóa - Xã hội; Môi trường và cảnh quan; Hệ thống chính trị và Hành chính công; Khoa học công nghệ và Chuyển đổi số; Tiếp cận pháp luật và An ninh, Quốc phòng. Việc đặt tên và phân nhóm nội dung có tính tương đối, do vậy Thứ trưởng mong muốn các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng hơn.

Góp ý tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2026-2030 về lĩnh vực môi trường, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Tiêu chí môi trường là một trong 3 nhóm tiêu chí cơ bản trong bộ ba của các nhóm tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường để phát triển bền vững nói chung và khu vực nông thôn nói riêng, do vậy việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới cấp xã và cấp tỉnh phải thể hiện rõ nhóm các tiêu chí môi trường.

Đồng thời, việc xây dựng tiêu chí môi trường cần dựa vào các chủ trương, định hướng của Đảng thể hiện trong các văn bản đã ban hành, nhất là các Nghị quyết, các văn bản chính sách, pháp luật của Nhà nước như Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các văn bản luật pháp về môi trường. Theo đó với dự thảo 3 cấp độ tiêu chí nông thôn mới cấp xã, 2 cấp độ nông thôn mới cấp tỉnh, cần rà soát lại và hoàn thiện thêm các tiêu chí về môi trường.

Đối với tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2026-2030 về lĩnh vực quy hoạch và cơ sở hạ tầng nông thôn, TS.KTS. Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng góp ý, các tiêu chí quy hoạch và cơ sở hạ tầng cần phát huy vai trò là trụ cột cứng định hình không gian sống chất lượng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực tổ chức cộng đồng và thích ứng với các xu hướng phát triển hiện đại như đô thị hóa, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu.

Bà Nhâm cho rằng việc phân tầng theo cấp độ xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới hiện đại và phân nhóm xã theo vùng miền khó khăn, xã đô thị hóa, xã phổ biến gắn với sản xuất nông nghiệp, và phân định rõ vai trò giữa cấp xã và cấp tỉnh không chỉ giúp Bộ tiêu chí khả thi hơn trong thực tiễn triển khai, mà còn tạo cơ sở cho một quá trình phát triển nông thôn hiệu quả, bao trùm và bền vững.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, trong bối cảnh sắp xếp lại các bộ, chính quyền địa phương có nhiều sự thay đổi so với trước đây nên Bộ tiêu chí cũng cần phải được rà soát, đánh giá lại cho phù hợp với thực tiễn mới. Bộ Nông nghiệp và Môi trường mong muốn các bộ, ngành và địa phương tiếp tục góp ý để Bộ có thể sớm hoàn thiện dự thảo Bộ tiêu chí và trình các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Liên quan đến việc hoàn thiện bộ tiêu chí, một trong những nội dung quan trọng là cách phân chia nhóm xã theo điều kiện thực tế. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc phân chia thành 3 nhóm xã là cần thiết để bảo đảm xây dựng nông thôn mới phù hợp điều kiện thực tế từng địa phương, nhằm giúp các địa phương chủ động áp dụng các tiêu chí phù hợp. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu góp ý về việc phân chia nhóm xã.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
TỔNG THUẬT: Hội nghị toàn quốc tổng kết 02 chương trình mục tiêu quốc gia và 02 phong trào thi đua về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vữngTỔNG THUẬT: Hội nghị toàn quốc tổng kết 02 chương trình mục tiêu quốc gia và 02 phong trào thi đua về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
Tham khảo thêm
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới để người dân thoát nghèo bền vữngNỗ lực xây dựng nông thôn mới để người dân thoát nghèo bền vững

Link nội dung: https://www.nhipsongsaigon.net/bo-tieu-chi-nong-thon-moi-tang-tinh-chu-dong-cho-dia-phuong-a141493.html