Hungary bắt tay với quốc gia ngoài EU, khẳng định quyền tự quyết an ninh năng lượng

Đầu tuần này, Hungary đã công bố kế hoạch với Serbia xây dựng một đường ống dẫn dầu mới, nhằm củng cố việc nhập khẩu dầu thô từ Nga, ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Moscow.

Hungary và Serbia nhắm đến đường ống mới để nhập khẩu dầu từ Nga trong bối cảnh EU tiếp tục tìm cách cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó xác nhận đã đạt được thỏa thuận với "các đồng nghiệp Serbia và Nga" về dự án đường ống dẫn dầu, theo đó hai quốc gia thành viên EU sẽ cùng nhau bỏ qua các hạn chế và tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga - nguồn cung cấp năng lượng cho một phần đáng kể nền kinh tế của họ.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh EU đang tích cực đàm phán lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027 và xem xét việc mở rộng lệnh cấm sang dầu mỏ qua đường ống.

Hungary bắt tay với quốc gia ngoài EU tự quyết an ninh năng lượng
Công trình xây dựng đường ống. (Nguồn: Shutterstock)

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Szijjártó đã chỉ trích việc EU thúc đẩy lệnh cấm nhiên liệu hóa thạch của Nga, cho rằng điều này đã đẩy giá năng lượng lên cao đáng kể. "Brussels đang dùng vũ lực phá vỡ các mối quan hệ năng lượng, cấm các nguồn năng lượng của Nga và chặn các tuyến đường cung cấp", ông viết.

Tuyến đường ống được đề xuất, có thể đi vào hoạt động sớm nhất là vào năm 2027, đã được thảo luận trong một cuộc họp trực tuyến giữa ông Szijjártó, Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin và Bộ trưởng Năng lượng Serbia Dubravka Đedović, theo hãng thông tấn nhà nước MTI.

Tuy nhiên, chỉ có một vài thông tin cụ thể về thỏa thuận với Moscow và Belgrade được công bố ngay lập tức.

Hungary, dưới thời Thủ tướng Viktor Orbán, luôn ưu tiên việc giữ chi phí năng lượng trong nước ở mức thấp, như một yếu tố quan trọng trong chiến dịch tranh cử và cũng là thành viên EU chỉ trích mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của EU đối với năng lượng Nga.

Ngoại trưởng Szijjártó khẳng định lại lập trường này, tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không cho phép điều này. Chúng tôi sẽ xây dựng các đường ống và mở ra các nguồn cung cấp mới, qua đó duy trì mức giá năng lượng thấp nhất châu Âu cho người dân Hungary".

Quan điểm này dường như cũng được củng cố bởi dữ liệu gần đây, cho thấy các hộ gia đình Hungary đang có hóa đơn tiền gas thấp nhất EU ở mức 3,20 Euro (3,74 USD), so với các quốc gia EU khác như Hà Lan và Thụy Điển, với lần lượt là 16,71 Euro (19,55 USD) và 18,93 Euro (22,15 USD).

Hungary cùng nước láng giềng Slovakia đã nhiều lần ngăn chặn các nỗ lực của EU nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với dầu khí Nga, trong đó yêu cầu sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, một gói năng lượng mới của EU (REPowerEU) đang được đàm phán, có khả năng vượt qua những trở ngại như vậy, khi chỉ cần đa số phiếu là đủ điều kiện để được thông qua.

Hồi tháng Ba, Ngoại trưởng Hungary từng cho biết, đường ống dẫn dầu dự kiến từ Hungary đến Serbia có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu dầu thô của Serbia vào năm 2028. Việc xây dựng đường ống, với công suất hàng năm 4-5 triệu tấn, có thể bắt đầu vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2026, ông Szijjarto cho biết tại một cuộc họp báo với Bộ trưởng Năng lượng Serbia Dubravka Dedovic Handanovic.

Mối quan hệ giữa Serbia và Hungary đã được củng cố trong những năm gần đây và các nhà lãnh đạo của họ, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga.

Hai quốc gia đã nhất trí vào năm 2022 về việc xây dựng một đường ống để cung cấp dầu thô Ural của Nga cho Serbia thông qua đường ống dẫn dầu Druzhba thời Liên Xô, bất chấp những nỗ lực liên tục của các quốc gia thành viên EU nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga.

Trong khi EU đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (2/2022), Hungary, quốc gia không giáp biển, vẫn nhận được khoảng 80% khí đốt tự nhiên và phần lớn dầu thô từ Nga.

Ngoại trưởng Szijjarto cho biết, công ty dầu khí MOL của Hungary, có các nhà máy lọc dầu ở Hungary và Slovakia, đã trình bày nghiên cứu khả thi cho đường ống này và nghiên cứu này đã được cả hai nước chấp thuận.

Hiện tại, toàn bộ nhu cầu nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Hungary có thể được đáp ứng thông qua Serbia. Và với khoản đầu tư mới này, toàn bộ nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Serbia sẽ được đáp ứng thông qua Hungary", ông Szijjarto nói, đồng thời cho biết thêm, dự án sẽ mang lại "một sự đảm bảo an ninh năng lượng đáng kể" cho cả hai nước.

Dự án đường ống bao gồm việc Hungary tăng cường năng lực vận chuyển dầu giữa biên giới Ukraine và nhà máy lọc dầu Danube, đồng thời xây dựng một đường ống mới dài 190 km (118 dặm) từ nhà máy lọc dầu đến biên giới Serbia.

Ông Szijjarto cho biết, chi phí mở rộng công suất và xây dựng đường ống mới đến biên giới sẽ vào khoảng 130 tỷ Forint (350,33 triệu USD).

Serbia không phải thành viên EU nhưng cũng phụ thuộc vào nguồn cung dầu thô của Nga.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })

Link nội dung: https://www.nhipsongsaigon.net/hungary-bat-tay-voi-quoc-gia-ngoai-eu-khang-dinh-quyen-tu-quyet-an-ninh-nang-luong-a141540.html