Ngành công nghiệp vũ trụ Hàn Quốc ở bước ngoặt lịch sử

Sự chuyển giao từ nghiên cứu do chính phủ dẫn dắt sang tư nhân trong ngành công nghiệp vũ trụ Hàn Quốc đánh dấu một giai đoạn phát triển quan trọng của ngành công nghiệp này.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hanwha Aerospace, ông Son Jae-il (bên phải), Cục trưởng Cơ quan Vũ trụ Hàn Quốc (KASA), ông Yoon Young-bin (ở giữa), và Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI), ông Lee Sang-chul (bên trái), tham dự lễ ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ KSLV-II.
Giám đốc điều hành Hanwha Aerospace Son Jae-il (phải), Cục trưởng Cơ quan Vũ trụ Hàn Quốc (KASA) Yoon Young-bin (giữa) và Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) Lee Sang-chul (trái) tại lễ ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ KSLV-II. (Nguồn: hanwha)

Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) ngày 25/7 cho biết đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ tên lửa đẩy vũ trụ Nuri (KSLV-II) cho tập đoàn Hanwha Aerospace. Đây là lần đầu tiên toàn bộ công nghệ của một tên lửa đẩy nội địa do Hàn Quốc thiết kế và chế tạo được chuyển giao cho một công ty tư nhân.

Các chuyên gia cho rằng việc chuyển giao công nghệ này đánh dấu sự chuyển dịch từ nghiên cứu do chính phủ dẫn dắt sang tăng trưởng do tư nhân dẫn dắt trong ngành công nghiệp vũ trụ. Kể từ lần đầu tiên Hàn Quốc phóng tên lửa khoa học vào năm 1993, sự phát triển nghiên cứu không gian đã được chính phủ nước này đẩy mạnh trong suốt hơn 30 năm.

Hanwha Aerospace hiện nắm giữ quyền chế tạo và phóng Nuri, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Hàn Quốc sang ngành công nghiệp vũ trụ do tư nhân dẫn đầu.

Phí chuyển giao công nghệ được ấn định là 20,4 tỷ Won (14,8 triệu USD), tương ứng với chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) đã đầu tư vào Nuri. Thỏa thuận bao gồm tất cả các công nghệ chính liên quan đến thiết kế, sản xuất và vận hành phóng, với 16.050 tài liệu kỹ thuật đã được bàn giao.

Tên lửa đẩy vũ trụ Nuri được Hàn Quốc phát triển từ năm 2010 đến năm 2022 với ngân sách khoảng 2.000 tỷ Won. Khoảng trên 300 công ty hàng không vũ trụ nội địa đã tham gia vào quá trình sản xuất Nuri, đạt tỷ lệ linh kiện nội địa là 95%.

Vào tháng 5/2023, lần phóng thứ ba Nuri đã đưa thành công một vệ tinh vào quỹ đạo, khiến Hàn Quốc trở thành một trong bảy quốc gia có khả năng phóng vệ tinh trên một tấn.

Giám đốc điều hành Hanwha Aerospace, ông Son Jae-il cảm ơn KARI cam kết với việc chuyển giao công nghệ này, tập đoàn Hanwha sẽ cải thiện công nghệ và hiệu quả chi phí của Nuri để chuẩn bị cho các dịch vụ phóng thương mại.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })

Link nội dung: https://www.nhipsongsaigon.net/nganh-cong-nghiep-vu-tru-han-quoc-o-buoc-ngoat-lich-su-a141664.html