xuân

Chưa có cơ sở điều chỉnh tăng lương năm 2026

(Chinhphu.vn) - Ngày 17/4, tiếp tục phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Chưa có cơ sở điều chỉnh tăng lương năm 2026- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình tại phiên họp

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Về điều chỉnh mức lương cơ sở, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng (tăng 30%), thực hiện từ ngày 1/7/2024. Áp dụng đối với người hưởng lương, phụ cấp và chế độ tiền thưởng áp dụng đối với người hưởng lương làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, ở xã, phường, thị trấn, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% Quỹ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 15%, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% từ ngày 1/7/2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước; đồng thời, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tiền lương theo Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 (Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV).

Chủ động, tích cực triển khai các chủ trương của Đảng, Quốc hội và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật chính sách tiền lương, lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo đúng quy định, tạo được sự đồng thuận cao, thiết thực góp phần nâng cao đời sống các đối tượng hưởng lương và chính sách trợ cấp, phụ cấp đối với các đối tượng liên quan; bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội.

Đồng thời, tích cực triển khai sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý công tác tuyên truyền cần tránh hiểu nhầm là tới đây sẽ điều chỉnh lương. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về thực hiện một số nội dung cải cách chính sách tiền lương đã thực hiện từ 1/7/2024, còn năm 2025 không còn nguồn ngân sách để bố trí tiếp tục tăng lương như năm 2024.

Còn theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, năm 2026, phải tập trung trước mắt vào hoàn thiện toàn bộ hệ thống thể chế, tác động trực tiếp tới việc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp và cán bộ công chức, viên chức

Theo bà Trà, nguồn kinh phí để chi trả cho đối tượng trực tiếp này rất lớn. Do đó, năm 2026, chưa đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở đối với các đối tượng có liên quan. Hiện chưa có căn cứ, cơ sở để đề xuất vì còn phụ thuộc về tình hình kinh tế đất nước năm 2025.

Vũ Phong