xuân

Doanh nghiệp hòa nhịp cùng ‘chuyến tàu thịnh vượng’

Việc tái cấu trúc bản đồ hành chính cấp tỉnh là thời điểm vàng để cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đổi mới tư duy, tái cấu trúc chính mình.

Lần đầu tiên trong gần nửa thế kỷ, bản đồ hành chính cấp tỉnh được tái cấu trúc quy mô lớn, khi cả nước giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sự kiện được xem là bước chuyển mình lịch sử của đất nước, khởi đầu cho một vận hội phát triển mới. TS. Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV thành phố Hà Nội đã có buổi trò chuyện với Báo Thế giới và Việt Nam về vấn đề này.

Hòa nhịp cùng ‘chuyến tàu thịnh vượng’
TS. Mạc Quốc Anh. (Ảnh NVCC)

“Chuyến tàu thịnh vượng” của Việt Nam trong kỷ nguyên mới lăn bánh với những chu kỳ đầu tiên. Từ góc độ của Hiệp hội doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về quyết định sắp xếp lại bản đồ hành chính cấp tỉnh?

Tôi cho rằng, đây thực sự là dấu mốc lịch sử mang tầm vóc chiến lược lâu dài. Sau gần nửa thế kỷ vận hành mô hình địa giới hiện tại, những thách thức về chồng chéo quản lý, bộ máy cồng kềnh, chi phí hành chính cao và khoảng cách phát triển giữa các địa phương bộc lộ rõ nét.

Bối cảnh hội nhập sâu rộng, áp lực cạnh tranh toàn cầu, cộng với yêu cầu đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, xã hội số đòi hỏi bộ máy phải gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Tôi tin rằng, quyết định này là bước đi mang tính cách mạng trong tư duy quản trị quốc gia, khi đặt lợi ích phát triển bền vững lên trên các rào cản cục bộ địa phương.

Nếu nhìn dưới lăng kính doanh nghiệp, đặc biệt cộng đồng DNNVV, việc tái cấu trúc bản đồ hành chính đồng nghĩa với việc tinh giản đáng kể các tầng nấc thủ tục, quy trình xin cấp phép, phê duyệt, giảm chi phí tuân thủ pháp luật và đồng bộ các quy hoạch vùng, hạ tầng, logistics. Khi địa giới hành chính lớn hơn, khả năng tích hợp nguồn lực, phối hợp quy hoạch và thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội sẽ tốt hơn, mở ra không gian phát triển mới, giúp dòng vốn, nhân lực, khoa học công nghệ luân chuyển thuận lợi hơn, giảm rào cản địa phương.

Tôi xin nhấn mạnh, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả nhiều quốc gia đã đi trước như Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Đức cũng từng thực hiện các chương trình sáp nhập đơn vị hành chính để tăng quy mô quản lý, nâng năng lực cạnh tranh và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Việt Nam, với dân số trên 100 triệu người, đứng trước cơ hội trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao vào năm 2045, việc sắp xếp hành chính là điều bắt buộc, nếu không muốn chậm chân trong guồng quay đổi mới.

Chính vì vậy, quyết định này là một bước ngoặt lịch sử, thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ, quyết tâm cải cách và khát vọng vươn lên của đất nước - đúng như cách ví “chuyến tàu thịnh vượng” đã rời ga và chúng ta phải chuẩn bị tốt để đón nhận vận hội đó.

Ông đánh giá thế nào về cơ hội của doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, sau quyết định trên của Nhà nước?

Cơ hội là rất lớn, nếu không muốn nói là chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Với doanh nghiệp, nhất là DNNVV, vốn chiếm hơn 97% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, tạo ra khoảng 60% việc làm và đóng góp hơn 45% GDP, việc giảm bớt các đầu mối hành chính và hợp nhất các vùng kinh tế sẽ giúp họ dễ tiếp cận hơn với các chính sách hỗ trợ, hạ tầng, vốn và thị trường.

Trước đây, DNNVV thường phải đối mặt với chi phí giao dịch cao. Nguyên nhân bởi mỗi tỉnh, mỗi huyện lại có bộ quy định, bộ thủ tục riêng. Khi địa bàn quản lý rộng hơn, cơ chế phối hợp, điều phối chính sách trở nên tập trung và đồng bộ hơn. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ dễ mở rộng phạm vi kinh doanh, dễ kết nối chuỗi cung ứng, tiếp cận được thị trường lao động có kỹ năng cao hơn, quy hoạch đất đai minh bạch hơn và hạ tầng hiện đại hơn.

Rõ ràng, sau sáp nhập, một tỉnh có quy mô lớn hơn sẽ đủ tiềm lực để quy hoạch các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu đô thị kiểu mẫu, giúp thu hút đầu tư tốt hơn. Từ đó, doanh nghiệp địa phương sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, không còn bị giam hãm trong “ao làng” chật hẹp.

DNNVV là khu vực nhạy cảm với thay đổi chính sách. Khi Nhà nước tập trung cải cách hành chính, giảm các tầng nấc, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí tuân thủ, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, nền tảng số hóa và thậm chí có thể khai thác các quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đồng bộ hơn.

Ngoài ra, sau sáp nhập, các địa phương có điều kiện mạnh hơn để phân bổ nguồn lực đào tạo lao động, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Điều này vô cùng quan trọng bởi DNNVV không chỉ cần vốn, mà còn cần kỹ năng quản trị, cần công nghệ, cần nhân lực chất lượng cao. Việc tái cấu trúc hành chính, về bản chất, chính là trao “bệ phóng” mới để doanh nghiệp vươn xa. Với vai trò đại diện cộng đồng DNNVV Hà Nội, tôi kỳ vọng, đây là cú hích mạnh mẽ khơi dậy tinh thần doanh nhân, khát vọng làm giàu chân chính và ý thức trách nhiệm xã hội.

Hòa nhịp cùng ‘chuyến tàu thịnh vượng’
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đổi mới tư duy, tái cấu trúc chính mình. Ảnh minh họa. (Ảnh: Phạm Hùng)

Phía doanh nghiệp cần làm gì để nắm bắt và tận dụng những cơ hội nói trên để phát triển vươn mình trong hành trình sắp tới?

Để tận dụng cơ hội từ quyết định lịch sử, doanh nghiệp, nhất là DNNVV, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao năng lực quản trị và tầm nhìn chiến lược. Doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi tư duy từ kinh doanh nhỏ lẻ sang tầm nhìn vùng, tầm nhìn chuỗi.

Thứ hai, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. DNNVV cần ứng dụng các nền tảng công nghệ vào quản trị, sản xuất, bán hàng, marketing, tài chính… để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.

Thứ ba, liên kết và hợp tác. DNNVV chủ động hình thành các liên minh, cụm liên kết ngành, liên kết vùng để tăng sức cạnh tranh, tận dụng các lợi thế hạ tầng, thị trường và chính sách.

Thứ tư, đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm. Thị trường rộng lớn hơn đòi hỏi sản phẩm, dịch vụ phải đáp ứng nhu cầu cao hơn về chất lượng, thân thiện môi trường, tính độc đáo. Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để DNNVV vươn lên trở thành những doanh nghiệp dẫn đầu trong thị trường mới.

Thứ năm, nâng cao năng lực pháp lý, tuân thủ. Khi hệ thống hành chính được đồng bộ, yêu cầu tuân thủ pháp luật sẽ được siết chặt hơn. DNNVV cần trang bị kiến thức pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, lao động... để giảm rủi ro pháp lý và khai thác hiệu quả các chính sách ưu đãi.

Kỳ vọng của ông về sự thay đổi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau sáp nhập?

Với tư cách đại diện cộng đồng DNNVV, tôi đặt kỳ vọng vào bốn nhóm chính sách lớn:

Một là, chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển vùng động lực. Sau sáp nhập, Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách thu hút đầu tư quy mô lớn cho các vùng kinh tế mới: ưu đãi thuế, hạ tầng, đất đai, tín dụng… theo hướng đồng bộ, minh bạch và tạo cơ hội cho cả doanh nghiệp lớn lẫn DNNVV.

Hai là, chính sách tài chính tín dụng. Các gói tín dụng ưu đãi, quỹ bảo lãnh tín dụng, chính sách hỗ trợ vốn khởi nghiệp sáng tạo sẽ được thiết kế phù hợp với thực tiễn từng vùng kinh tế mới. Đặc biệt, cần có cơ chế tài chính đặc thù cho DNNVV tham gia các chuỗi giá trị vùng, liên kết vùng.

Ba là, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển xanh. Các chương trình quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phải được cụ thể hóa tới từng vùng, từng nhóm doanh nghiệp. Nhà nước cần tạo nền tảng hạ tầng số đồng bộ và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, tri thức, tài chính xanh.

Bốn là, chính sách cải cách hành chính. Với mô hình hành chính mới, các thủ tục tiếp tục được cắt giảm, số hóa, đồng bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hiện tại là thời điểm vàng để cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, đổi mới tư duy, tái cấu trúc, hòa nhịp với “chuyến tàu thịnh vượng” của dân tộc. Tôi tin tưởng rằng, sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm bắt và biến những cơ hội này thành hiện thực, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })