xuân

Giao khoán đất lâm nghiệp: Nhiều gợi ý từ thực tiễn

(Chinhphu.vn) - Chính sách giao khoán đất lâm nghiệp tại các công ty lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, những bất cập trong thực tiễn đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý, đến linh hoạt hóa cơ chế khoán.

Giao khoán đất lâm nghiệp: Nhiều gợi ý từ thực tiễn- Ảnh 1.

Nhiều đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 25/4/2025, tại hội thảo "Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp" do Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức, nhiều giải pháp đã được thảo luận nhằm hoàn thiện chính sách giao khoán đất lâm nghiệp, hướng đến phát triển bền vững ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị, sau 30 năm thực hiện chính sách giao khoán, các công ty lâm nghiệp trên cả nước đã giao khoán 458.000 ha đất, chiếm 27% tổng diện tích đất lâm nghiệp được quản lý. Chính sách này đã mang lại những chuyển biến tích cực, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội, đặc biệt là sự tham gia của người dân địa phương cùng các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng. Kết quả là quản lý và bảo vệ rừng được cải thiện, tài nguyên đất đai được sử dụng hiệu quả hơn, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân tại các địa phương.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách giao khoán cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chỉ ra rằng các quy định hiện hành về đối tượng nhận khoán, hạn mức, thời hạn khoán, cũng như quyền và trách nhiệm của các bên chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Những bất cập này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: công tác tuyên truyền chính sách còn hạn chế, lực lượng bảo vệ rừng mỏng, hồ sơ đất đai chưa hoàn thiện, giám sát thiếu chặt chẽ, và các tranh chấp đất đai diễn ra phức tạp. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm còn lúng túng, thiếu chế tài đủ mạnh, gây khó khăn trong quản lý hợp đồng khoán.

Để giải quyết những tồn tại, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 103-KL/TW ngày 2/12/2024, chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế và các văn bản pháp luật về đất đai, quản lý tài sản công nhằm thúc đẩy sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Trước đó, ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg, nhấn mạnh việc thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị trong lĩnh vực này. Những văn bản này tạo hành lang pháp lý quan trọng để các địa phương và công ty lâm nghiệp triển khai các giải pháp hiệu quả hơn.

Giao khoán đất lâm nghiệp: Nhiều gợi ý từ thực tiễn- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ông Nguyễn Văn Tiến đề xuất cần điều chỉnh cơ chế chính sách theo hướng linh hoạt hơn. Đối với diện tích đất đã giao hoặc cho thuê quyền quản lý cho các công ty lâm nghiệp, công ty nên được chủ động thực hiện các biện pháp kinh doanh theo quy định pháp luật. Về công tác khoán, nhà nước cần ban hành khung chính sách chung, nhưng các chi tiết như phương thức khoán, nội dung hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, phương thức chia lợi nhuận, cũng như xử lý vi phạm nên do công ty và hộ nhận khoán thỏa thuận, tuân theo quy định của Luật Dân sự. Điều này sẽ giúp giảm thiểu các bất cập trong thực tiễn và tăng tính tự chủ cho các bên liên quan.

Đồng thời, cơ quan quản lý cần tăng cường thanh, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và xử lý các tranh chấp hợp đồng khoán, lấn chiếm đất, liên doanh liên kết sai quy định. Các công ty nông, lâm nghiệp cũng cần lập phương án quản lý, sử dụng đất khi trả về địa phương, đảm bảo giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với chính sách an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Bá Ngãi, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các tỉnh trong việc đôn đốc, đơn giản hóa thủ tục hành chính để chuyển đất lâm nghiệp về địa phương quản lý. Các địa phương cần hoàn thành kiểm kê đất, thống kê người sử dụng, xây dựng phương án sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm, và xử lý các trường hợp cấp trùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Tô Xuân Phúc từ Tổ chức Forest Trends nhìn nhận, việc giao khoán đất lâm nghiệp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông lâm sản và thị trường tín chỉ carbon rừng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa cơ hội này, các tồn tại trong sử dụng đất, đặc biệt là trong hình thức giao khoán, cần được giải quyết triệt để. Điều này bao gồm việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, minh bạch hóa quyền lợi và trách nhiệm của các bên, đồng thời tăng cường quản lý để giảm thiểu vi phạm.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Sửa quy định về kinh phí thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vữngSửa quy định về kinh phí thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Ba trụ cột chính của ngành lâm nghiệpBa trụ cột chính của ngành lâm nghiệp
Tham khảo thêm
Sản xuất lâm nghiệp cần hướng tới vùng nguyên liệu bền vữngSản xuất lâm nghiệp cần hướng tới vùng nguyên liệu bền vững