xuân

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh các địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, thay đổi địa giới, mô hình chính quyền và địa bàn quản lý cũng thay đổi theo, càng cần nâng cao trách nhiệm, không để xảy ra khoảng trống chỉ đạo hoặc lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông- Ảnh 1.

Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để tình hình trật tự an toàn giao thông xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc buông lỏng quản lý - Ảnh minh họa

Bộ Xây dựng có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và Sở Xây dựng các địa phương về triển khai sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm giao thông

Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).

Trong bối cảnh các địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, thay đổi địa giới, mô hình chính quyền và địa bàn quản lý cũng thay đổi theo, càng cần nâng cao trách nhiệm, không để xảy ra khoảng trống chỉ đạo hoặc lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc buông lỏng quản lý.

Cùng đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang ATGT.

Việc xử lý vi phạm phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp vào quá trình xử lý, hoặc lợi dụng tình hình tổ chức lại để né tránh trách nhiệm.

Mặt khác, tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, lực lượng chức năng đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận, phù hợp với từng vùng, địa bàn và nhóm đối tượng.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách sau khi tổ chức lại mô hình chính quyền 2 cấp

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về TTATGT trong lĩnh vực phụ trách, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong điều kiện tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương và phân cấp mạnh cho cơ sở.

TIN LIÊN QUANDuy trì ổn định các tuyến đường giao thông khi vận hành chính quyền 2 cấpKiện toàn hoạt động của Ban An toàn giao thông theo mô hình chính quyền mớiHoàn thành lắp đặt hệ thống giao thông thông minh trên cao tốc trước 31/12/2025Hoàn thành lắp đặt hệ thống giao thông thông minh trên cao tốc trước 31/12/2025

Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Trong đó, lưu ý việc điều chỉnh quy hoạch giao thông phù hợp với không gian hành chính mới sau khi sắp xếp các đơn vị cấp tỉnh, cấp xã. Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng, ưu tiên xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn, bảo đảm tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, an toàn, nhất là tại các tuyến giao thông kết nối các khu hành chính mới.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành vận tải, phương tiện, người lái, hạ tầng giao thông. Tăng cường năng lực kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa ngành giao thông - xây dựng với các ngành công an, y tế, tài chính, ngân hàng.

Cuối cùng, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhất là tại những địa bàn trung tâm của các tỉnh sau khi hợp nhất. Tổ chức phân luồng, phân tuyến khoa học, hợp lý; tăng cường phối hợp kiểm soát trật tự đô thị, quản lý lòng đường, vỉa hè và phát triển bãi đỗ xe theo mô hình tập trung của đô thị hiện đại.

Phát triển hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch

Về nhiệm vụ cụ thể, Bộ Xây dựng yêu cầu Vụ Kế hoạch - Tài chính nghiên cứu, đề xuất huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy hoạch; đảm bảo kết nối đồng bộ với các loại hình giao thông khác. Rà soát, cập nhật và hoàn thiện quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tổng thể chung trong toàn quốc, đảm bảo kết nối liên vùng hiệu quả và toàn diện.

Vụ Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với Cục Phát triển đô thị có trách nhiệm rà soát các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan đến công tác quy hoạch đô thị và nông thôn để bảo đảm việc nội dung quy hoạch giao thông trong các quy hoạch đô thị và nông thôn được đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với tình hình mới và yêu cầu bảo đảm TTATGT.

Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn Sở Xây dựng, các cơ quan đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện tổ chức giao thông khoa học; đồng thời phối hợp với các địa phương điều chỉnh, bổ sung biển báo, biển hướng dẫn, cập nhật lý trình đường bộ phù hợp với tên địa danh mới sau sáp nhập địa giới hành chính.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, khai thác, vận hành, sử dụng, giám sát đối với các hoạt động: tổ chức giao thông, vận tải, phương tiện, người lái và quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.

Tiếp tục rà soát, giải quyết, xử lý những bất cập của hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, điểm dừng, đỗ, trông giữ xe. Đồng thời, triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc công tác xử lý điểm đen TNGT, điểm tiềm ẩn TNGT đường bộ, các bất cập về tổ chức giao thông, các vị trí ùn tắc giao thông tại các địa phương.

Phía Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố có trách nhiệm rà soát, cập nhật và tham mưu UBND cấp tỉnh, thành phố hoàn thiện quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương, đảm bảo tổ chức mạng lưới giao thông hợp lý, kết nối thông suốt đặc biệt giữa khu vực hành chính cũ - mới đối với các tỉnh thành phố thực hiện sáp nhập địa giới hành chính.

Tham mưu UBND cấp tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch giao thông, nhất là tại các tỉnh, thành phố mới được sáp nhập địa giới hành chính.

Trong đó, cần sớm di dời trụ sở cơ quan nhà nước, trường đại học, bệnh viện, khu sản xuất công nghiệp... khỏi trung tâm đô thị theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt (lưu ý việc khai thác lại quỹ đất sau di dời ưu tiên phục vụ các công trình phúc lợi công cộng như công viên, bãi đỗ xe, đường gom...).

Ưu tiên quỹ đất có khả năng thương mại, phát triển khu công nghiệp, khu du lịch... để tạo nguồn vốn phục vụ đầu tư hạ tầng giao thông địa phương, nhất là tập trung nguồn lực triển khai các đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt nhanh gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng để thu hút người dân tham gia sử dụng.

Chủ động rà soát phát hiện các điểm đen tai nạn giao thông, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông, tổ chức giao thông không hợp lý, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh giữa đơn vị hành chính cũ và mới, để kịp thời kiến nghị xử lý, điều chỉnh phù hợp với hiện trạng không gian mới sau sắp xếp, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên toàn địa bàn.

Nghiên cứu phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh tại các đô thị lớn nhằm giảm tải giao thông giờ cao điểm, đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố xem xét quyết định theo thẩm quyền.

Vụ Vận tải và An toàn giao thông rà soát, đề xuất điều chỉnh cơ chế quản lý vận tải phù hợp với mô hình phân cấp mới, đảm bảo thống nhất toàn quốc. Phối hợp chặt chẽ với các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo Bộ trưởng, các Thứ trưởng để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có).

Phan Trang