![]() |
Điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2025 là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. (Nguồn: VGP) |
Nhờ vào chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và điều hành quản lý vĩ mô của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành và địa phương, quý I/2025, kinh tế Việt Nam đã vượt thách thức chung, tăng trưởng ước đạt 6,93%, trên mục tiêu đặt ra 2025 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, là mức tăng cao nhất của quý I kể từ năm 2020 đến nay và thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.
Năm thách thức chính
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong mức tăng trưởng 6,93% của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,7%, đóng góp 53,74%. Điểm sáng của nền kinh tế trong ba tháng đầu năm là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Nhận định về kết quả tăng trưởng kinh tế quý I/2025, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng, nền kinh tế được hỗ trợ bởi cả yếu tố từ phía cung và phía cầu. Về phía cung, sự tăng tốc mạnh mẽ của hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo đã được thấy rõ kể từ tháng 2/2025. Ngành xây dựng, có mức tăng trưởng khá tốt nhờ sự đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, ngành dịch vụ thị trường tiếp tục hồi phục tích cực.
Về phía cầu, đầu tư công được tích cực giải ngân từ đầu năm. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhiều tín hiệu tích cực khi cả vốn đăng ký và giải ngân đều tăng. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh ở cả hàng hóa và dịch vụ. “Sự chỉ đạo sát sao và triển khai đồng bộ các giải pháp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, bà Hương khẳng định.
Bước sang quý II/2025, bà nhận thấy, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.
Cùng quan điểm, trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các chuyên gia của ngân hàng này cho rằng, bối cảnh kinh tế thế giới đang biến động, chịu ảnh hưởng từ các chính sách thuế của Mỹ, căng thẳng địa chính trị… có thể tác động bất lợi đến triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Sự quay trở lại của chính sách bảo hộ dưới thời chính quyền mới của Mỹ có thể làm giảm cầu thế giới đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam - quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đánh giá, giữa bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro, bất ổn (đặc biệt là “cú sốc” thuế quan của Mỹ), kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trong cả năm nay.
Cụ thể, nền kinh tế đất nước sẽ đối mặt với năm thách thức chính: Rủi ro từ bên ngoài gia tăng; các động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn thấp hơn so với trước dịch và chưa bền vững; nợ xấu tăng và còn nhiều thách thức trong xử lý; hoạt động doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn; thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi chậm và thị trường bất động sản thiếu bền vững.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, việc phát huy sức mạnh nội tại - đặc biệt là từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bằng cách vừa hỗ trợ về chính sách thuế, vừa thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đầu tư công - là điều vô cùng cần thiết. |
Kiên định mục tiêu tăng trưởng 8%
Những dự báo trên cho thấy, chặng đường còn lại của nền kinh tế trong năm 2025 có thể sẽ rất gian nan, gập gềnh và khó lường. Tuy vậy, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2025 từ 8% trở lên. Việc kiên định với mục tiêu tăng trưởng cao có thể là động lực giúp đất nước giảm thiểu đáng kể rủi ro từ bên ngoài.
Như Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam Shantanu Chakraborty phân tích, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt cao hơn và bền vững nếu các nỗ lực cải cách thể chế toàn diện thời gian qua được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Những cải cách này sẽ kích thích nhu cầu trong nước, tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong ngắn hạn, từ đó, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn.
“Việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm sinh kế cho các nhóm yếu thế và giữ vững việc làm vẫn cần được Việt Nam đặt lên hàng đầu. Điều này đồng nghĩa với việc các gói kích thích tài khóa bổ sung là rất cần thiết để thúc đẩy cầu nội địa. Bên cạnh đó, các cải cách cơ cấu nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý cho doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ đóng vai trò quan trọng để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng dài hạn”, ông Shantanu Chakraborty nói.
Còn theo Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, mục tiêu tăng trưởng 8% cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các giải pháp được yêu cầu triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung khai thác tối đa dư địa tăng trưởng từ cả phía cung và cầu của nền kinh tế. Theo bà Hương, cần nhấn mạnh sáu giải pháp sau:
Một là, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đảm bảo cung ứng hàng hóa và kiểm soát giá cả, thị trường.
Hai là, bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Ba là, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước.
Bốn là, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu.
Năm là, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sáu là, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; chủ động phương án phòng chống thiên tai.
Tăng sức chống chịu, tự lực, tự cường
Theo Bộ Tài chính, với tăng trưởng 6,93% trong quý I/2025, để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt trên 8%, chín tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam cần tăng khoảng 8,3%. Theo kịch bản cập nhật, tăng trưởng quý II,III và IV/2025 lần lượt là 8,2%, 8,3% và 8,4%. Đây đều là những chỉ tiêu tăng trưởng đầy thách thức, nhất là trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay.
Dù vậy, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng nỗ lực, càng phấn đấu vươn lên mạnh mẽ. Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể; dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. GS.TS. Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, việc phát huy sức mạnh nội tại - đặc biệt là từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bằng cách vừa hỗ trợ về chính sách thuế, vừa thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đầu tư công - là điều vô cùng cần thiết.
Về tài khóa, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhận thấy, dư địa còn nhiều do nợ công đang ở mức thấp. Tuy nhiên, cần sử dụng hiệu quả nguồn lực vay thêm để đầu tư phát triển, không chi cho thường xuyên. Vì vậy, nên mở rộng các phương thức đầu tư mới như đặt hàng cho doanh nghiệp tư nhân, vừa giải ngân nhanh vừa kích thích sản xuất lan tỏa.
Khẳng định tầm quan trọng của phát huy nội lực, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, chặng đường tới, Việt Nam cần cơ cấu lại nền kinh tế, tăng cường nội lực, tập trung vào các động lực tăng trưởng khác (đầu tư, tiêu dùng…) và các động lực tăng trưởng mới. “Đảng và Nhà nước cần quan tâm đề án phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Từ đó, tăng sức chống chịu, tự lực, tự cường của Việt Nam”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tin vui là, Việt Nam đã có định hướng rõ ràng trong phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân - trụ cột của nền kinh tế. Với tầm nhìn dài hạn, đúng hướng và sự điều hành kịp thời, linh hoạt từ Chính phủ, tin rằng, đất nước hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội, vươn lên trong bối cảnh toàn cầu nhiều bất định.