xuân

Lộc Trời tháp tùng Thủ tướng 'mở cánh cửa' cho gạo Việt ở đất nước 210 triệu dân

Lộc Trời có quy mô tài sản gần 12.000 tỷ đồng, sở hữu chuỗi giá trị khép kín từ giống, phân bón đến chế biến và xuất khẩu gạo.

Chiều ngày 5/7 (giờ địa phương), tại thành phố Rio de Janeiro, trong chương trình hoạt động song phương tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Brazil.

Lộc Trời tháp tùng Thủ tướng 'mở cánh cửa' cho gạo Việt ở đất nước 210 triệu dân- Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối, hợp tác, đầu tư, cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo hai nước. Cụ thể, triển khai 3 lĩnh vực hợp tác trọng tâm, đột phá gồm: Nông nghiệp; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, viễn thông; khai thác, chế biến khoáng sản (đồng, dầu khí…).

Cùng với đó, hai bên mở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản thế mạnh của nhau.

Brazil khẳng định sẵn sàng nhập khẩu nhiều hơn thủy hải sản, gạo của Việt Nam. Hai bên cũng nhất trí ký hiệp định về bảo đảm an ninh lương thực ổn định, lâu dài cho Brazil, trong đó Việt Nam sẽ xuất khẩu gạo để ổn định lương thực cho Brazil.

Hai bên cũng đẩy mạnh hướng hợp tác mới là đầu tư sản xuất và chế biến sâu các mặt hàng nông sản tại chỗ nhằm phục vụ thị trường hai nước và xuất khẩu sang các nước khác, phát huy thế mạnh của mỗi nước, tối ưu chi phí và hài hòa lợi ích. Thủ tướng lấy ví dụ, doanh nghiệp Việt Nam có thể trồng lúa, chế biến gạo ngay tại Brazil, doanh nghiệp Brazil có thể chăn nuôi gia súc và chế biến thịt tại Việt Nam.

Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại Brazil có đại diện của Tập đoàn Lộc Trời – Tập đoàn nông nghiệp của Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa mới tại thị trường Brazil với dân số hơn 210 triệu người.

Lộc Trời là doanh nghiệp nông nghiệp sở hữu chuỗi giá trị khép kín từ giống, phân bón đến chế biến và xuất khẩu gạo.

Từng là niềm tự hào của ngành nông nghiệp Việt Nam, những thành tựu của Lộc Trời đang bị lung lay dữ dội bởi những khó khăn chồng chất, mà đỉnh điểm là sự việc cựu CEO Nguyễn Duy Thuận bị chính Tập đoàn đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn vì "hành vi gian dối, gây thất thoát tài sản công ty".

Sau nhiều năm duy trì mức lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Lộc Trời đang trải qua giai đoạn lao dốc kể từ năm 2023 đến nay. Giữa cơn bão tố này, ông Thòn đang phải đứng ra chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió.

Trong báo cáo về tình hình năm 2024, HĐQT Lộc Trời đánh giá năm 2024 là một năm đặc biết khó khăn. Tập đoàn phải chịu áp lực chi phí vận hành, biên lợi nhuận thấp và khó khăn về tài chính khiến ngành lương thực gặp nhiều thách thức trong việc triển khai vùng nguyên liệu với nông dân và hạn chế xuất khẩu.

Trước hàng loạt thách thức, Lộc Trời đặt kế hoạch kinh doanh 2025 khá dè dặt, với doanh thu thuần chỉ 4.200 tỷ đồng – thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua (không tính năm 2024 chưa có số liệu tài chính). Công ty dự báo lỗ kế toán trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA âm) 524 tỷ đồng.