xuân

Một số loài cá heo Australia khéo léo dùng miếng bọt biển che mõm để săn mồi

Trong khi con người sử dụng công cụ để câu cá, thì loài cá heo mũi chai ở Australia lại sử dụng bọt biển để săn mồi.

Một số loài cá heo Australia khéo léo dùng miếng bọt biển che mõm để săn mồi
Một số loài cá heo Australia săn mồi bằng một miếng bọt biển trên mõm. (Nguồn: ABC News)

Hành vi kỳ lạ nhưng hiệu quả này được tiết lộ trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Royal Society Open Science, ngày 15/7.

Tin liên quan
Cá heo mẹ giúp nhau sinh con trong sở thú Cá heo mẹ giúp nhau sinh con trong sở thú

Theo đó, những con cá heo khéo léo dùng miếng bọt biển che mõm để tránh tổn thương bởi đá sắc cạnh. Chúng lặn xuống các kênh cát và khuấy động cá vược sọc đang ẩn mình tại đây để tìm thức ăn.

Theo bà Ellen Rose Jacobs, nhà sinh vật biển tại Đại học Aarhus (Đan Mạch) và là đồng tác giả của nghiên cứu trên, việc săn mồi với miếng bọt biển trên mõm sẽ cản trở khả năng định vị bằng tiếng vang, phát ra âm thanh và lắng nghe tiếng vọng để định hướng của cá heo mũi chai.

Bà giải thích: “Lớp bọt biển có tác dụng giảm tiếng ồn. Mọi thứ trở nên mờ ảo hơn nhưng nếu luyện tập đủ lâu thì chúng sẽ biết cách bù trừ”.

Bà Jacobs sử dụng micro dưới nước để thu lại âm thanh từ những con cá heo đang săn mồi. Kết quả cho thấy, chúng vẫn sử dụng tiếng “click” định vị trong khi mang bọt biển, cho dù tín hiệu có bị bóp méo phần nào do sóng âm sai lệch khi đi qua lớp bọt biển.

Loại bọt biển mà cá heo sử dụng thường có kích thước từ quả bóng đến quả dưa lưới, vừa đủ để bao trọn mõm của chúng mà vẫn gọn nhẹ để thao tác được dưới nước.

Ông Mauricio Cantor - nhà sinh vật học biển tại Đại học bang Oregon (Mỹ) - đánh giá: “Săn mồi với bọt biển giống như việc săn mồi khi bạn bịt mắt vậy. Bạn phải rất giỏi, được huấn luyện kỹ lưỡng để thực hiện được điều đó".

Những khó khăn này lý giải cho việc hiện chỉ khoảng 5% quần thể cá heo (tương đương 30 cá thể) được nghiên cứu tại vịnh Shark của Australia thành thục kỹ thuật này.

Bà Janet Mann - nhà sinh vật biển tại Đại học Georgetown (Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu - cho biết thêm: “Điều đặc biệt là hành vi này chỉ được truyền từ mẹ sang con”. Cá heo con thường ở bên mẹ trong 3-4 năm đầu đời, giai đoạn chúng học hỏi các kỹ năng sống quan trọng, bao gồm cả 'bí kíp' dùng bọt biển".

Nhà sinh thái học biển Boris Worm tại Đại học Dalhousie (Canada) cũng cho rằng, cá heo "mất nhiều năm để học được kỹ năng săn mồi đặc biệt này nhưng không phải con nào cũng thành thục”.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })