![]() |
Chính sách thuế đối ứng là biểu hiện chiến lược quyền lực mềm mới của chính quyền Tổng thống Trump. (Nguồn: FT) |
Trong ba tuần tới, mọi con mắt sẽ hướng về Washington, nơi các cuộc đàm phán có thể quyết định vận mệnh của chuỗi cung ứng toàn cầu, cán cân thương mại quốc tế, thậm chí là sự ổn định của thị trường tài chính thế giới.
Chiến thuật quen thuộc?
Trước thời điểm ngày 1/8 – mốc áp thuế mới mà Tổng thống Trump đưa ra – nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sắc lệnh hành pháp được ký vào ngày 7/7 cho thấy, mức thuế quan từ 25% đến 40% được áp đối với hàng hóa từ 14 quốc gia, bao gồm cả đồng minh thân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, những đối tác như Thái Lan, Indonesia và các nước đang phát triển như Bangladesh hay Myanmar. Chính quyền Tổng thống Trump cũng tuyên bố trì hoãn thời điểm có hiệu lực sang ngày 1/8 thay vì 9/7 như dự kiến ban đầu, tạo ra ba tuần để các quốc gia bị ảnh hưởng có cơ hội đàm phán hoặc đưa ra nhượng bộ.
Tuy nhiên, ngày 8/7, qua mạng xã hội Truth Social, ông chủ Nhà Trắng bất ngờ khẳng định: “Sẽ không có thay đổi nào về thời hạn hay các thay đổi khác. Nói một cách khác, việc trả thuế sẽ diễn ra theo đúng thời hạn (1/8). Sẽ không có việc gia hạn”. Dù trước đó, ông Trump từng ngụ ý có thể linh hoạt về thời hạn nói trên, rằng: “Nếu các đối tác gọi điện bày tỏ mong muốn làm theo cách khác, chúng tôi sẵn sàng cân nhắc”.
Giới phân tích cho rằng, sự phân bổ các mức thuế không đồng đều này được hiểu là phản ánh mức độ ưu tiên thương mại, sức ép chiến lược và động lực đàm phán riêng biệt giữa Mỹ với từng đối tác. Đáng chú ý, một số nước có quan hệ thân cận như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn không được miễn trừ, cho thấy Washington không ngại dùng thuế quan như đòn bẩy ngay cả với đồng minh truyền thống.
Trong khi bình luận về các động thái mới nhất này, giới quan sát cho rằng, đây vẫn là một chiến thuật quen thuộc từ Nhà Trắng – sử dụng mốc thời gian như một công cụ thương lượng. Tuy nhiên, sau thời điểm được gọi là “Ngày Giải phóng” (2/4) và 90 ngày Mỹ trì hoãn áp thuế quan đối ứng nhằm tạo cơ hội đàm phán, kết quả không như dự kiến ban đầu.
Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Trump đang tiếp tục mở rộng công cụ áp thuế dựa trên cả Đạo luật quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA) và Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại – vốn cho phép áp thuế vì lý do an ninh quốc gia. Mục 232 đã được sử dụng để tăng thuế thép, nhôm và hiện đang mở rộng sang ngành ô tô, dược phẩm và bán dẫn, gây quan ngại trên diện rộng.
Không chỉ thương lượng
Ngay sau thông báo thuế quan, Nhật Bản và Hàn Quốc nhanh chóng khởi động đàm phán. Tokyo khẳng định sẽ không chấp nhận thỏa thuận nào đánh đổi lợi ích ngành nông nghiệp để đổi lấy nhượng bộ về ô tô. Trong khi đó, Hàn Quốc tích cực thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện, bao gồm cả thuế quan và hợp tác công nghiệp.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định cả hai nước đều đối mặt áp lực chính trị nội bộ, khiến việc đưa ra nhượng bộ lớn trong ngắn hạn trở nên khó khăn.
Về phần EU, khối này không nhận được thư thông báo áp thuế mới, nhưng đang rốt ráo đàm phán với Mỹ để giảm các mức thuế hiện tại, bao gồm 50% với thép và nhôm, 25% với ô tô. Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil cảnh báo EU “sẽ đáp trả tương xứng” nếu Mỹ không có nhượng bộ đáng kể.
Một số quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Bangladesh và Myanmar lại đối mặt mức thuế kỷ lục, lên tới 40%. Riêng Campuchia đã đàm phán để giảm mức thuế từ 49% xuống 36% – động thái được chính phủ nước này coi là “chiến thắng ngoại giao”.
Bangladesh, nơi ngành may mặc chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt bị ảnh hưởng. Các hiệp hội công nghiệp cảnh báo về nguy cơ mất đơn hàng hàng tỷ USD nếu không sớm đạt được thỏa thuận với Washington.
Quyền lực mềm mới
Chính sách thuế quan đối ứng lần này là biểu hiện rõ ràng của chiến lược quyền lực mềm mới của chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, hiệu quả dài hạn của cách tiếp cận này đối với Mỹ vẫn còn là dấu hỏi.
Tại Mỹ, những tác động ban đầu có thể nhìn thấy được đối với kinh tế là doanh thu thuế quan tăng gần gấp bốn lần so với cùng kỳ năm trước, lên mức kỷ lục 24,2 tỷ USD vào tháng Năm, trong khi lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 43% so với cùng kỳ năm 2024.
Tuy nhiên, trong một bài bình luận mới đây, tờ FT cho rằng, trong một thế giới đang rạn nứt giữa chủ nghĩa đa phương và bảo hộ, với bối cảnh rủi ro lạm phát, đình trệ và sự không chắc chắn kéo dài, chính sách “tính toán” đối với toàn thế giới của Nhà Trắng khiến cái giá phải trả cho chiến lược này không hề nhỏ.
Chính sách thuế mới đang tạo ra tranh luận sâu sắc giữa giới hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp. Theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu Budget Lab thuộc Đại học Yale, mức thuế trung bình mà người tiêu dùng Mỹ phải gánh sẽ tăng từ 15,8% lên 17,6% – cao nhất kể từ năm 1934.
Trong khi đó, báo cáo của Goldman Sachs cho thấy, tác động của các mức thuế này có thể đẩy lạm phát Mỹ tăng thêm 1,4 điểm phần trăm.
Nhà kinh tế trưởng Torsten Slok của Apollo Global Management nhận định: “Trong bối cảnh giá dầu cao, chính sách hạn chế nhập cư và lãi suất chưa giảm, mức thuế tăng sẽ là chất xúc tác làm gia tăng áp lực đình lạm trong nền kinh tế Mỹ”.
Cùng lúc, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tỏ ra thận trọng. Chủ tịch Fed Jerome Powell từ chối hạ lãi suất trong quý III bất chấp áp lực từ Nhà Trắng, với lý do cần đánh giá chính xác ảnh hưởng từ các đợt tăng thuế đến tiêu dùng và chi phí sinh hoạt.
Nếu tất cả mức thuế được triển khai như đe dọa, thuế suất trung bình đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ có thể tăng từ dưới 3% lên khoảng 20% — mức tăng chưa từng có trong lịch sử thương mại hiện đại của Mỹ. Điều này sẽ tác động mạnh tới chuỗi cung ứng, đẩy chi phí sản xuất toàn cầu tăng cao, đặc biệt ở các nước phụ thuộc xuất khẩu.
Giám đốc Trung tâm Thương mại quốc tế Liên hợp quốc Pamela Coke-Hamilton cảnh báo, bất ổn thuế quan có thể làm tê liệt đầu tư dài hạn, gây tổn hại nặng nề cho các nền kinh tế đang phát triển.
Cùng quan điểm, nhà kinh tế trưởng Neil Shearing (Capital Economics) nhận định, trong bối cảnh bất định, việc doanh nghiệp đưa ra quyết định dài hạn về chuỗi cung ứng là rất khó khăn. Ông nhấn mạnh, di dời nhà máy mất 8-10 năm, nhưng khi ngay cả tuần tới diễn ra điều gì còn khó đoán, thì giảm thiểu rủi ro hiện tại là lựa chọn thực tế nhất.
Giới phân tích nhận định, chính sách thuế quan mới của Mỹ đang cho thấy cách tiếp cận ngày càng quyết liệt nhằm tái định hình trật tự thương mại toàn cầu theo lợi ích quốc gia.