xuân

Phản ứng của giới đầu tư bất động sản trước biến động toàn cầu

Theo đại diện Savills Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục duy trì sự thận trọng, phản ánh tác động từ môi trường kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Theo đơn vị này, thị trường bất động sản Châu Á - Thái Bình Dương có xu hướng chậm lại trong Quý 1/2025 do những biến động về kinh tế và căng thẳng địa chính trị gia tăng liên quan đến chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Ước tính sơ bộ cho thấy khối lượng đầu tư tại khu vực trong quý 1/2025 đã giảm 33% so với cùng kỳ năm 2024, xuống còn 24,2 tỷ USD - mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ vừa qua.

Dù vậy, một số thị trường như Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam đã ghi nhận sự cải thiện về mặt hoạt động đầu tư trong quý vừa qua.

Nhật Bản tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những thị trường hấp dẫn nhất khu vực. Dù nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn sau đợt tăng lãi suất vào tháng 1/2025, thị trường vẫn nhận nhiều sự quan tâm, đặc biệt từ các quỹ đầu tư, đại diện các văn phòng gia đình và các cá nhân siêu giàu.

Tại Australia, khối lượng giao dịch tăng mạnh trong ba tháng đầu năm 2025, được trợ lực bởi việc cắt giảm lãi suất và kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, hoạt động đầu tư tại các thị trường Hàn Quốc, Singapore hay Hong Kong tiếp tục ở mức yếu, chủ yếu do chênh lệch giá chào mua – chào bán lớn, đi kèm điều kiện tín dụng bị thắt chặt.

Tại Trung Quốc, hoạt động đầu tư ổn định nhờ các chính sách tài khóa và hỗ trợ từ chính phủ. Dù thị trường đối mặt với nhiều khó khăn, sự quan tâm của nhà đầu tư đến các tài sản đang bị áp lực nợ hay các khoản đầu tư dài hạn với điều kiện tài chính thuận lợi cùng lợi suất cao hơn cũng gia tăng.

Báo cáo APIQ cũng chỉ ra một số thị trường mới nổi đang ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về giá trị đầu tư trong quý 1/2025, bao gồm Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam. Tại Ấn Độ, hoạt động đầu tư sôi động nhờ dòng vốn đầu tư từ các quỹ tư nhân và doanh số bán nhà ở mạnh mẽ. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận hiệu suất tích cực, đặc biệt ở lĩnh vực trung tâm dữ liệu với nhiều thường vụ đáng chú ý đến từ Microsoft, Google và Open DC. Thị trường Việt Nam ghi nhận kết quả khả quan ở các lĩnh vực công nghiệp và nhà ở, trong khi đó, bán lẻ và du lịch khách sạn tiếp tục phục hồi nhờ sự trở lại của khách quốc tế.

Xét về phân khúc, tất cả các phân khúc đều ghi nhận sự sụt giảm về khối lượng giao dịch trong quý 1/2025. Đáng chú ý, hoạt động đầu tư bất động sản công nghiệp và logistics chậm lại tại Australia và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư công nghiệp và logistics tại Nhật Bản, Việt Nam và Malaysia vẫn duy trì ổn định. Trong đó tăng trưởng của Malaysia chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng cao đối với các trung tâm dữ liệu.

Theo Savills, chính sách thuế quan mới nhiều khả năng sẽ đẩy nhanh việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các khu vực có mức thuế thấp hơn, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản công nghiệp và logistics tại các thị trường này. Do sự biến động địa chính trị và kinh tế đang diễn ra, các nhà đầu tư và khách thuê có thể sẽ tiếp tục thận trọng trong thời gian tới. Tác động đối với thị trường bất động sản trong khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ trở nên rõ ràng hơn trong các quý tiếp theo dựa trên các kết quả đàm phán và khả năng thay đổi chính sách thuế quan của Mỹ. Hiện tại, sự thận trọng vẫn là yếu tố then chốt trong các quyết định đầu tư.