Ngành Công nghiệp Dệt May – Da Giầy là hai ngành hàng chủ lực của nền kinh tế Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 72 tỷ đô la năm 2024 tăng trưởng trung bình 10%, có 16.348 doanh nghiệp thu hút gần 5 triệu công ăn việc làm, chiếm 22% lao động ngành công nghiệp Việt Nam, đóng góp đáng kể vào phát triển thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Nghi thức khai mạc Triển lãm Shoes & Leather Vietnam 2025 sáng ngày 9/7/2025
Trải qua hơn 40 năm của quá trình phát triển, mặc dù hai ngành đã đạt được vị trí là quốc gia sản xuất giầy dép may mặc top đầu của thế giới, song vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dù ngành Thời trang Việt Nam đang dần thoát khỏi mô hình gia công, nhưng vẫn tồn tại một điểm yếu, đó là phần lớn nguyên phụ liệu của ngành phụ thuộc vào sự chỉ định của khách hàng và nhập khẩu từ bên ngoài. Điều này hạn chế sự chủ động sáng tạo và phát triển mẫu mã của các nhà máy trong nước, dẫn tới giá trị gia tăng vẫn còn thấp, lợi nhuận chỉ tập trung vào giá nhân công lao động và một số nguyên phụ liệu hiện có trong nước, trong đó lợi thế về nhân công sẽ dần mất đi trong vòng vài năm tới.

Đánh giá được tầm quan trọng của 2 ngành hàng xuất khẩu lớn, ngày 29/12/2022 Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2035 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành, trong đó xác định rõ các mục tiêu và kế hoạch hành động cần thiết phải triển khai để nâng cấp chuỗi cung của Ngành thời trang Việt nam theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, chủ động và ngày càng bền vững tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để triển khai Chiến lược đã được Chính phủ phê duyệt, Hiệp hội Dệt May (Vitas) và Hiệp hội Da Giầy Túi Xách Việt Nam (Lefaso) đã đệ trình giải pháp xây dựng “TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN CHUỖI CUNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP THỜI TRANG VIỆT NAM” giai đoạn 2026-2030.
Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn tại sự kiện
Đây là dự án mang tầm Chiến lược của quốc gia với vị trí đặt tại Phường Tân Vạn & Phường Đông Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm thời trang của Việt Nam, trong tổ hợp có quy mô 40 hecta. Khi được đưa vào vận hành, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển chuỗi Cung ngành Công nghiệp thời trang Việt Nam, sẽ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp với 7 chức năng chính:
+ Kết nối và phát triển chuỗi cung ứng thời trang
+ Trưng bày, giới thiệu, thử nghiệm nguyên phụ liệu và công nghệ mới
+ Tạo không gian sáng tạo và nghiên cứu phát triển cho ngành thời trang
+ Tổ chức hội chợ triển lãm, sự kiện của ngành thời trang.
+ Đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực ngành
+ Thúc đẩy xu hướng thời trang bền vững và ứng dụng công nghệ
+ Thúc đẩy hợp tác quốc tế và xuất khẩu

Trung tâm được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp Thời trang Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2035 theo hướng hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và khu vực, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại hội thảo đại diện các cơ quan, ban ngành cùng nhau bàn luận chia sẻ đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ của ngành công nghiệp thời trang một cách hiệu quả nhất, giúp cho ngành Thời trang Việt Nam có những bước đi đột phá, tạo ra giá trị ngày càng cao, mang lại lợi ích cho ngành và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong kỹ nguyên vươn mình.
Triển lãm Quốc tế Da & Giày – Lần thứ 25 diễn ra từ ngày 9 đến 11/7/2025 tại TP. Hồ Chí Minh, chuỗi triển lãm do Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam (LEFASO) phối hợp với Công ty Top Repute tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và UBND TP. Hồ Chí Minh, sự kiện nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại và hội nhập ngành da giày Việt Nam.
N.A