Sự kiện là hoạt động mở đầu chuỗi chương trình chuyên môn hướng tới Triển lãm Nội thất và Xây dựng Việt Nam (VIBE) 2025, thể hiện nỗ lực tiên phong của ban tổ chức trong việc kết nối ngành, củng cố hệ sinh thái và đồng hành cùng các vấn đề trọng yếu của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cải cách hành chính và sáp nhập các đơn vị hành chính đang diễn ra trên quy mô toàn quốc.
Khai mở không gian, kích hoạt động lực mới
Tại tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc sáp nhập các tỉnh, thành không chỉ là cải cách hành chính mà còn là “cuộc cách mạng tư duy”, mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực quốc gia.
Theo ông Châu, với nguồn lực như cũ nhưng nhờ sắp xếp lại giang sơn, nguồn lực ấy được phát huy tốt hơn. Ví dụ, trước đây, TP.HCM có cảng Hiệp Phước, Cát Lái... còn Bà Rịa – Vũng Tàu có Cái Mép – Thị Vải, Long An cũng quy hoạch cảng riêng và các địa phương dường như có sự cạnh tranh với nhau. Sau sáp nhập, quy hoạch tổng thể sẽ giúp những cảng này phối hợp bổ trợ, hạn chế chồng chéo và giảm lãng phí đầu tư.
Tiến sĩ Phạm Trần Hải, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch là nhiệm vụ trọng yếu trong bối cảnh sáp nhập địa giới hành chính. Viện đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND TP.HCM trong công tác này, nhằm bảo đảm quá trình tích hợp không tạo ra khoảng trống pháp lý và giữ vững định hướng phát triển bền vững.
Để định hình chiến lược phát triển cho giai đoạn mới của TP.HCM sau sáp nhập, theo ông Hải, cần bổ sung các chiến lược phát triển kinh tế với động lực tăng trưởng mang tính đột phá. Điển hình như công nghiệp công nghệ cao và sản xuất thông minh với mô hình Đô thị đại học và mô hình hợp tác đổi mới sáng tạo bốn xoắn ốc: Nhà nước - trường đại học - doanh nghiệp - cộng đồng.
Ngoài ra, dịch vụ chất lượng cao với lõi là tài chính quốc tế, công nghệ và kinh tế biển với lõi là cụm cảng nước sâu, logistics, năng lượng và du lịch sinh thái. Các động lực này phải được hỗ trợ đồng bộ từ hạ tầng vật lý đến hạ tầng số, tạo nền tảng cho tăng trưởng xanh và kinh tế số.
Bên cạnh đó, TP.HCM mới sẽ phải tập trung bốn chiến lược quy hoạch chính để tối ưu hóa phát triển, bao gồm tái cấu trúc khu vực (phát huy lợi thế riêng của từng địa phương, tránh chồng chéo và cạnh tranh dự án, nhằm phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất); tăng cường kết nối (giảm thiểu khoảng cách địa lý giữa các khu vực nhờ phát triển hạ tầng giao thông hiện đại và chuyển đổi số toàn diện); tăng cường chia sẻ hạ tầng (nâng cao hiệu quả đầu tư và vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội bằng cách thúc đẩy chia sẻ sử dụng) và đồng bộ hóa hạ tầng (giảm thiểu sự khác biệt, đảm bảo hài hòa và cân bằng trong phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trên toàn TP.HCM mới).
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, TP.HCM có cơ hội vàng trở thành đô thị biển sau sáp nhập.
Quy hoạch liên vùng, phát triển đô thị biển hiện đại
Đồng quan điểm với ông Hải, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Ngo Viet Architects & Planners nhận định, việc sáp nhập các tỉnh, thành không đơn thuần là tái tổ chức bộ máy hành chính, mà quan trọng hơn là mở ra một cục diện phát triển hoàn toàn mới. Với quy hoạch hợp lý và tầm nhìn dài hạn, TP.HCM có thể tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả phối hợp liên vùng, từ đó mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Ông Sơn nhìn nhận, TP.HCM mới sẽ có ba cực tăng trưởng bổ trợ lẫn nhau: Vùng đất cao phía Bắc (Bình Dương cũ) phát triển công nghiệp; Bà Rịa - Vũng Tàu cũ là đầu mối cảng biển và du lịch ven biển; còn TP.HCM vẫn giữ vai trò trung tâm kinh tế - tài chính – khoa học công nghệ – đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cấu trúc này sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực và tránh lãng phí đầu tư.
Đặc biệt, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh, một trong những cơ hội vàng là TP.HCM trở thành đô thị biển thực sự sau sáp nhập. Điều này mở ra tiềm năng phát triển kinh tế biển mà bấy lâu nay chưa khai thác hiệu quả. Theo đó, cần quy hoạch lại theo tư duy "đô thị biển" đúng nghĩa.
Các chuyên gia thảo luận về cơ hội, thách thức ngành kiến trúc - xây dựng - nội thất - bất động sản trong bối cảnh sau sáp nhập.
Bên cạnh các khu cảng biển công nghiệp, cần phát triển chuỗi đô thị du lịch sinh thái ven biển từ Cần Giờ – Vũng Tàu – Hồ Tràm đến Phan Thiết (Lâm Đồng) và học hỏi những mô hình phát triển ở nước khác. Việc phát triển kinh tế biển phải kết hợp hiệu quả giữa cảng biển lớn và hệ thống logistics để tăng hiệu suất xuất nhập khẩu và giảm chi phí. Ngoài ra, cần mạnh dạn đầu tư du lịch đường thủy, tổ chức các tuyến du thuyền quốc tế.
Về hạ tầng, liên kết vùng là điều kiện tiên quyết. TP.HCM cần đi đầu trong phát triển hệ thống đường sắt đô thị, bổ sung các tuyến metro kết nối với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ và sân bay Long Thành.
Điều này không chỉ thuận lợi cho người dân mà còn tăng sức hút cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phát triển các đô thị TOD (Transit Oriented Development - đô thị định hướng giao thông công cộng) xung quanh các ga, sân bay.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng kêu gọi TP phải thay đổi tư duy quy hoạch từ cục bộ sang liên thông, cùng chia sẻ lợi ích, cùng phát triển khi đã là một thể thống nhất. Ông nhấn mạnh, TP.HCM phải phát huy vai trò “đầu tàu kéo cả đoàn tàu đi”, thông qua việc điều chỉnh lại hệ thống quy hoạch tích hợp về giao thông, đô thị, kinh tế, tài nguyên, môi trường.
N.Anh