xuân

Sau sáp nhập, một địa phương Việt Nam có số dân gấp 30 lần một nước ASEAN

Điều này cho thấy quy mô rất lớn của địa phương này.

Việc sáp nhập giữa TP HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hình thành một siêu đô thị hùng mạnh với dân số khoảng 14 triệu người.

Việc điều chỉnh địa giới hành chính, có hiệu lực vào ngày 1/7, nhằm mục đích tạo ra một "siêu đô thị" có khả năng tận dụng sức mạnh tổng hợp của ba địa phương năng động về kinh tế này.

Theo đó, việc này cũng thúc đẩy một vùng kinh tế đô thị tích hợp và cạnh tranh hơn, có khả năng thúc đẩy tăng trưởng quốc gia và nâng cao vị thế trong khu vực.

Quy mô dân số của siêu đô thị mới tại Việt Nam đặt nó vào một vị thế nổi bật trong khu vực Đông Nam Á. Với khoảng 14 triệu dân, TP HCM sẽ có dân số lớn hơn tổng dân số của một số quốc gia ASEAN như Lào (7,77 triệu người), Singapore (5,83 triệu người), Timor-Leste (1,40 triệu người) và Brunei (0,46 triệu người). Thậm chí, dân số TP HCM gấp hơn 30 lần so với dân số Brunei. Điều này cho thấy tầm vóc dân số đáng kể của siêu đô thị này trong bối cảnh khu vực.

Trong khi đó, khi so sánh với các khu vực đô thị lớn khác trong ASEAN, TP HCM mới tiếp tục có quy mô tương đương hoặc lớn hơn một số thành phố quan trọng.

Cụ thể, thành phố của Việt Nam lớn hơn đáng kể so với Kuala Lumpur (khu vực đô thị 8,80 triệu người) , Bangkok (khu vực thành phố 5,45 triệu người) và Singapore (5,83 triệu người). Tuy nhiên, TP HCM vẫn nhỏ hơn khu vực đô thị Jakarta (32,26 triệu người), vốn vẫn là khu vực đô thị lớn nhất Đông Nam Á. TP HCM hiện có quy mô dân số tương đương với Metro Manila (14,94 triệu người).

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được, nói trên Tuổi Trẻ, không chỉ là trung tâm kinh tế, thành phố phải trở thành nơi đáng sống, nơi mỗi người dân được bảo đảm cơ hội phát triển, được chăm lo đầy đủ về sức khỏe, giáo dục, môi trường sống và sự an toàn.

Thành phố mới sẽ đầu tư mạnh mẽ cho y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển thể chất, trí tuệ cho thế hệ trẻ. Chăm lo an sinh xã hội toàn diện, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển; ưu tiên giải quyết thu hẹp mức chênh lệch phát triển giữa các địa bàn, nhất là các khu vực mới sáp nhập và các địa bàn khó khăn.

Cùng đó, TP HCM xác định mục tiêu và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025-2030 với không gian hợp nhất "ba cực kinh tế" năng động bậc nhất cả nước hội tụ thành một siêu đô thị tài chính - công nghiệp công nghệ cao - kinh tế biển có mật độ phát triển cao bậc nhất Đông Nam Á, với tầm nhìn phấn đấu vào top 100 thành phố đáng sống trên thế giới đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, TP HCM mới sẽ là một trung tâm tài chính, dịch vụ, thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và du lịch biển quy mô khu vực; với định hướng phát triển trên nền tảng công nghệ số, kinh tế xanh, bền vững về môi trường, xã hội hài hòa, gắn kết, rộng mở, kết tinh các giá trị tiên tiến của châu Á và thế giới; phấn đấu là nơi hấp dẫn, hội tụ nhân tài, doanh nhân trong nước và quốc tế, là nơi của cộng đồng khởi nghiệp, sáng tạo, ươm mầm những xu hướng và mô hình tiên tiến.

TP HCM không chỉ là đầu tàu kinh tế quốc gia, mà phải là đô thị hiện đại có ảnh hưởng trong mạng lưới các thành phố toàn cầu.