Sửa chữa laptop – smartphone sẽ là mảng miếng kinh doanh quan trọng của Digiword trong tương lai
Digiworld vẫn đang trong quá trình tìm kiếm 'mảnh đất mới phì nhiêu' để khai phá nhằm phục vụ cho tham vọng tăng trưởng nhanh trong tương lai, bởi 'mảnh đất cũ sản phẩm ICT' đang trở nên già nua – cằn cỗi. Tuy nhiên, hành trình của họ vẫn chưa thể kết thúc, khi những thử nghiệm như nhảy vào mảng phân phối tiêu dùng – được phẩm hay tài chính tiêu dùng; vẫn chưa mang lại kết quả khả quan.
Trong ĐHCĐ 2025 diễn ra vào sáng 25/4, ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch Digiworld cho biết, họ đã thoái bớt vốn khỏi Money Holding – công ty mẹ của Vietmoney; từ 79,3% còn 19%. Theo đó, Money Holding từ công ty con của Digiworld giờ chỉ còn là công ty liên kết.
"Sở dĩ chúng tôi rút khỏi Vietmoney là bởi việc triển khai ở ngành này đang gặp nhiều khó khăn. Tại Việt Nam, các mô hình kinh doanh tài chính tiêu dùng nhỏ lẻ thường không đủ chặt chẽ về thuế cũng như quy định của Nhà nước. Vậy nên, chúng khá là rủi ro. Trong khi Digiworld là một công ty niêm yết, nên hiện tại mô hình này chưa phù hợp với chúng tôi", ông Đoàn Hồng Việt giải thích lý do vì sao rút lui khỏi Vietmoney.
Vào giữa tháng 8/2024, Ban lãnh đạo của Digiworld cũng cho biết, nửa đầu năm 2024, chuỗi cầm đồ Vietmoney có mức lỗ trung bình hàng tháng là khoảng 1 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản chi phí trụ sở. Và họ cũng cho rằng, Vietmoney sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ trong thời gian còn lại của năm 2024.
Tuy nhiên, không vì vậy mà Digiworld bỏ qua các thương vụ M&A. Vào giữa năm 2024, họ cũng đã mua lại Công ty cổ phần Tập đoàn B2X Việt Nam với giá trị chuyển nhượng khong cao hơn 30 tỷ đồng.

Tập đoàn B2X Việt Nam là công ty liên doanh do Digiworld và B2X hợp tác thành lập từ tháng 12/2017, vốn điều lệ ban đầu 6 tỷ đồng; B2X sở hữu 50% còn Digiworld sở hữu 49,1% (cuối tháng 1/2024). B2X Care Solutions GmbH là đơn vị cung ứng dịch vụ chăm sóc khách hàng nổi tiếng trên thế giới có trụ sở tại Munich (Đức), chuyên về mảng điện thoại thông minh và các thiết bị kết nối internet (IoT). Theo ông Đoàn Hồng Việt, hiện Digiworld đang nắm 90% vốn của DN này.
Trong ĐHCĐ 2024, lãnh đạo Digiworld từng chia sẻ: B2X và hệ thống trung tâm bảo hành DCare (4 trung tâm) của Digiworld cung cấp các dịch vụ bảo hành chuyên nghiệp cho các đối tác từ năm 2017 đến nay.
Các dịch vụ của cả hai bao gồm: giải pháp kỹ thuật cho các thiết bị điện thoại, điện tử, điện lạnh, gia dụng… bao gồm lắp đặt, sửa chữa chính hãng, bảo trì, bảo dưỡng; cung cấp nền tảng dịch vụ in home (tại nhà) với các thiết bị gia đình. Hiện B2X có 18 trung tâm bảo hành chuyên nghiệp trên toàn quốc với các đối tác lớn như: Samsung, Xiaomi, Acer, các chuỗi bán lẻ như Điện máy xanh, FPT shop, cùng rất nhiều thương hiệu lớn khác.
Thương vụ M&A này là bước chuẩn bị để Digiworld đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực mới là sữa chữa điện thoại – laptop nói riêng và đồ công nghệ nói chung.
"Sửa chữa đồ công nghệ sẽ là hướng đi rất quan trọng của Digiworld trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ phân phối toàn diện. Mục tiêu của chúng tôi là sẽ trở thành số 1 Việt Nam về bảo hành – sửa chữa nhằm phục vụ người tiêu dùng tốt hơn nữa. Sửa chữa ngoài bảo hành sẽ là mảng kinh doanh quan trọng nhất của Digiworld trong tương lai", ông Đoàn Hồng Việt nhấn mạnh.
Cơ hội nào cho Digiworld ở ngành bảo hành – sửa chữa đồ công nghệ?
Vậy tại sao Digiworld lại chọn lĩnh vực này để thử sức sau những hướng đi chưa thành công lắm ở mảng tiêu dùng hay tài chính cá nhân?
Đầu tiên, dù là mảng kinh doanh mới nhưng nó lại không quá xa lạ với Digiworld, đối tượng kinh doanh vẫn là đồ công nghệ và họ cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm thông qua DCare. Thứ hai, họ có dữ liệu khách hàng – nhất là thương hiệu Xiaomi, vì Digiworld đang nhận vai trò quản lý bán hàng trực tiếp cho thương hiệu Xiaomi ở thị trường Việt Nam. Cuối cùng, thị trường này đang khá phân mảng và chưa có tay chơi lớn nào nhảy vào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Việt Nam, DN sở hữu nhiều cửa hàng nhất chính là Sửa Chữa Laptop 24h với 33 cửa hàng trên toàn quốc; tuy nhiên, họ chỉ chuyên sửa laptop. Thứ hai chính là chuỗi Điện Thoại Vui của CellphoneS với 28 địa điểm khắp toàn quốc. Tiếp theo chính là Fastcare – 12 cửa hàng ở TP.HCM và Bình Dương, chuỗi Viện Di Động của Di Động Việt với 12 cửa hàng tập trung ở miền Nam.

Sửa Chữa Laptop 24h đang có 33 cửa hàng trên toàn quốc.
Thế Giới Di Động vẫn chưa nhảy vào mảng sửa chữa điện thoại mà chỉ tập trung bảo hành. FPT Shop từng ra mắt mô hình sữa chữa – bảo hành theo kiểu 'cửa hàng trong cửa hàng' năm 2020, nhưng họ cũng không phát triển mạnh hướng kinh doanh này.
"Tôi thường hay vào sửa điện thoại ở cửa hàng nhỏ quen chứ không vào các chuỗi lớn. Lý do là bởi ngoài thói quen, thì các chuỗi nổi tiếng thường lấy giá cao.
Nói chung là tùy lỗi điện thoại như thế nào để tôi quyết định vào cửa hàng nhỏ quen hay vào chuỗi lớn. Ví dụ như điện thoại chỉ bị rung lắc thì sửa ngoài cho nhanh. Còn nếu bị hư linh kiện, thì thà mua máy mới, còn nếu muốn thay đồ mới thì nên vào Apple. Nhưng trung tâm bảo hành – sửa chữa của Apple nhiều khi lại không nhận hàng", anh Hoàng Quân, người đang sử dụng iPhone13 cho biết.
Và dù đã vào cửa hàng quen, nhưng anh Hoàng Quân vẫn không yên tâm để điện thoại của mình ở đó cho nhân viên sửa rồi chạy đi làm việc khác, mà phải mua nước cho nhân viên để họ có thể 'thương tình' không 'luộc' đồ của mình.
Hiện trên thị trường, không có bất cứ chuỗi sửa chữa nào phát triển toàn vẹn: tức là có thể bảo hành sửa chữa bất cứ lỗi nào của tất cả các loại thiết bị công nghệ - điện tử và của tất cả các nhãn hàng. Như chúng ta đã nói ở trên, sẽ có chuỗi mạnh về điện thoại, có chuỗi mạnh về laptop, có chuỗi chuyên sửa iPhone hay Samsung hoặc Xiaomi….
Vấn đề thứ hai là sự tin tưởng của khách hàng vào DN/cửa hàng chưa lớn. Nhiều người tiêu dùng sợ nhân viên cửa hàng sẽ 'đánh tráo' các linh kiện trong thiết bị điện tử của mình để lắp vào sản phẩm rẻ tiền hơn mà mình không biết.
Vậy nên, thị trường vẫn chưa xuất hiện một thương hiệu bảo hành – sửa chữa nằm trong 'top of mind' của người Việt và đây sẽ là cơ hội của Digiworld nếu họ tập trung toàn lực.