xuân

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Masan sẽ vươn lên giống như Walmart, Amazon, Alibaba

Ông Quang cho biết muốn Masan từ một tập đoàn truyền thống vươn một nền tảng trải nghiệm tiêu dùng tích hợp, giống như nhiều 'ông lớn' bán lẻ trên thế giới.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Masan sẽ vươn lên giống như Walmart, Amazon, Alibaba- Ảnh 1.

Sáng ngày 25/5, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã chứng khoán MSN), CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã chứng khoán MCH) và CTCP Masan MeatLife (mã chứng khoán MML) đồng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông, Chủ tịch HĐQT của Masan Group Nguyễn Đăng Quang cho biết Masan đang tìm cách dùng công nghệ để dẫn dắt sự thay đổi nhãn hiệu, tạo ra sự đổi mới để tạo trải nghiệm tốt hơn cho người tiêu dùng và đưa thương hiệu ra quốc tế.

Masan Group đã hoàn tất giai đoạn đầu tiên trong hành trình 5 năm xây dựng nền tảng tiêu dùng - bán lẻ tích hợp. Bước sang giai đoạn 2, Masan sẽ tập trung củng cố thị phần chi tiêu và mang về lợi nhuận.

"Đây là mảnh ghép còn thiếu để Masan vươn mình từ hình ảnh một tập đoàn truyền thống, xóa bỏ định kiến đa ngành và khẳng định vị thế là một nền tảng trải nghiệm tiêu dùng tích hợp, giống như Walmart, Amazon, Alibaba, Reliance hay Apple", ông Quang nhấn mạnh.

Ông cảnh báo những mô hình kinh doanh truyền thống sẽ dần biến mất. Chuyển đổi số sẽ là yếu tố định hình lại toàn bộ ngành tiêu dùng - bán lẻ tại Việt Nam: từ hiệu quả sản xuất, tối ưu chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu, đổi mới sáng tạo, trải nghiệm người tiêu dùng cho đến hiện đại hóa bán lẻ. Vì vậy, việc tích hợp phần mềm, dữ liệu, Al, tự động hóa và kết nối vào DNA của Masan là điều quan trọng cần phải làm.

Vị tỷ phú lý giải, người tiêu dùng hiện nay am hiểu công nghệ số và đòi hỏi một hành trình trải nghiệm liền mạch, sống động và đậm chất cá nhân. Không chỉ mua sắm, họ muốn được kết nối, được thấu hiểu và đồng hành cùng thương hiệu trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.

Trải nghiệm của họ không còn giới hạn ở việc xem quảng cáo trên truyền hình hay ghé thăm cửa hàng. Công nghệ sẽ là trọng tâm kết nối nhãn hiệu với điểm chạm với người tiêu dùng ở mỗi điểm lẻ. Đây là nơi người tiêu dùng sẽ đến cũng là nơi xuất hiện cơ hội cho nhãn hiệu nói về mình.

"Hãy tưởng tượng một thế giới nơi người tiêu dùng nhận được những ưu đãi cá nhân hóa mỗi khi họ bước vào khu vực gần cửa hàng nhờ công nghệ định vị địa lý (geo-fencing), hoặc trải nghiệm một hành trình cùng những thương hiệu yêu thích của họ", ông Quang nói.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Masan sẽ vươn lên giống như Walmart, Amazon, Alibaba- Ảnh 2.

Mạng di động Reddi trong các siêu thị của Masan.

Chia sẻ thêm về chuyển đổi số, ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group cho biết sẽ xây dựng một giao diện số như "người anh em sinh đôi" của những điều tập đoàn đang làm trên môi trường offline. Cuối năm nay nền tảng này sẽ đi vào vận hành, sử dụng AI và Machine learning (học máy).

Tại cuộc họp, Masan Group cũng đặt ra kế hoạch tham vọng là sở hữu 10.000 điểm Point Of Life - chuỗi cửa hàng bán lẻ và kênh truyền thống hiện đại hóa, phục vụ hơn 100 triệu người tiêu dùng.

Cùng với đó là kế hoạch tái định vị thị trường FMCG Việt Nam và vươn ra toàn cầu, phục vụ 8 tỷ người tiêu dùng trên thế giới.

Masan Group cam kết giảm 10% chi phí tiêu dùng hàng ngày cho người dân trong khi vẫn giữ vững hiệu quả lợi nhuận. Đồng thời cắt giảm ít nhất 50% các chương trình khuyến mãi đại trà, kém hiệu quả.

Masan Group lên kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu thuần từ 80.500 tỷ đồng - 85.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế TNDN đặt kế hoạch từ 4.875 tỷ đồng - 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng từ 14% đến 52%.