
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn I (2021-2025), các địa phương đã hỗ trợ đất ở cho 10.549 hộ, hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 13.387 hộ
Giải quyết căn cơ vấn đề "an cư, lạc nghiệp"
Với nguồn lực đầu tư của các chương trình, dự án, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719), địa bàn "lõi nghèo" của cả nước đã có những bước tiến dài trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, nhóm vấn đề "5 nhất" (điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn nhất; chất lượng nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất; tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất" vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.
Một trong những định hướng quan trọng thực hiện chính sách dân tộc hiện nay là phát huy tinh thần tự lực của đồng bào DTTS. Nhưng để định hướng này "bám rễ" vào cuộc sống, trước hết phải giải quyết căn cơ nhu cầu của đồng bào về đất ở, đất sản xuất… Khi sự thiếu hụt này chưa được giải quyết thì việc đồng bào "hấp thụ" nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để "an cư, lạc nghiệp" còn khó khăn.
Như ở bản Tràng Nặm, xã Yên Sơn, tỉnh Sơn La (trước sáp nhập thuộc xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), cả bản có 86 hộ thì có 35 hộ nghèo. Mặc dù nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được chính quyền địa phương hỗ trợ, vận động bà con triển khai nhưng đều không khả thi vì nhiều hộ ở Tràng Nặm thiếu đất sản xuất.
Ông Vì Văn Duy, người dân ở bản Tràng Nặm, chia sẻ: "Không có đất sản xuất nên muốn trồng cây gì, nuôi còn gì cũng không được. Gia đình tôi cũng muốn thoát nghèo lắm nhưng chưa biết làm cách nào".
Không riêng gia đình ông Duy mà hiện còn nhiều hộ DTTS ở vùng sâu, vùng xa vẫn đang thiếu các điều kiện cơ bản để nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, trong 5 năm qua, hàng chục nghìn hộ đã được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất…, nhưng hiện vẫn còn không ít gia đình còn thiếu hụt các trụ cột này để "an cư, lạc nghiệp".

Từ vốn Chương trình MTQG 1719, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi dần được đầu tư đồng bộ - Ảnh: Ngọc Chí
Trước khi triển khai Chương trình MTQG 1719, số liệu trong Tờ trình số 414/TTr-CP ngày 11/10/2019 trình Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của Chính phủ cho thấy, cả nước vẫn còn 58.123 hộ thiếu đất ở, 303.178 hộ thiếu đất sản xuất.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, các địa phương đã nỗ lực hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS có nhu cầu cấp bách, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho thấy, giai đoạn I (2021-2025), các địa phương mới hỗ trợ đất ở cho 10.549 hộ, hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 13.387 hộ.
Giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS là những nội dung thuộc 1/3 nhóm mục tiêu chưa đạt, thậm chí là khó đạt của Chương trình. Theo tổng hợp của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tính đến 31/3/2025, công tác hỗ trợ đất ở thuộc phạm vi hỗ trợ của Chương trình mới đạt 20,2% (dự kiến hết năm 2025 đạt 45,5%); hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất mới đạt 9,2% (dự kiến hết năm 2025 đạt 45,5%).
Ngay cả việc hỗ trợ chuyển đổi nghề (do địa phương thiếu quỹ đất hoặc do người dân không có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất) cũng chưa đạt mục tiêu đề ra. Đến nay, các địa phương đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 54.899 hộ đồng bào DTTS, đạt 21,3% so với kế hoạch (dự kiến hết năm 2025 đạt 38,3%).
Theo đề xuất của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, giai đoạn 2026-2030, một trong 5 nội dung trụ cột của Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ sản xuất cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng; hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho hộ gia đình. Để thực hiện được nội dung này, các bộ ngành, địa phương quan tâm, làm rõ và có giải pháp để giải quyết triệt để nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Giai đoạn I, vốn Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư xây dựng 3.220 nhà văn hóa - khu thể thao tại các thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong ảnh là Nhà văn hóa xã Đông Giang, TP. Đà Nẵng - Ảnh: Huy Trường
Tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng tại các khu vực đồng bào DTTS và MN
Để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng vẫn là một trong những mục tiêu then chốt, quyết định. Đây cũng là định hướng thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2026-2030, được Bộ Dân tộc và Tôn giáo-cơ quan chủ quản Chương trình, đề xuất trong báo cáo phục vụ Hội nghị toàn quốc tổng kết giai đoạn I.
Nội dung trụ cột này tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng giao thông liên vùng, cơ sở hạ tầng gắn với du lịch, dịch vụ; cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn các xã, thôn bản vùng biên giới.
Nhiệm vụ của giai đoạn 2026-2030 bao gồm một số nội dung của Tiểu dự án 1, Dự án 4 có bổ sung thêm một số nội dung cụ thể bảo đảm thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trên địa bàn đặc thù khu vực biên giới...
Trên thực tế, việc đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ nhu cầu dân sinh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, được triển khai hàng chục năm nay. Chỉ tính riêng từ vốn Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I, thì 6.018 công trình giao thông nông thôn, 8.673 km đường giao thông, 442 công trình điện,… đã được đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, trong giai đoạn I của Chương trình, toàn vùng có 1.787 nhà sinh hoạt cộng đồng, 225 trạm y tế xã, 629 công trình trường, lớp học đạt chuẩn được sửa chữa, xây mới; 986 công trình thủy lợi nhỏ được xây mới hoặc cải tạo; 666 công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất được đầu tư; 2.006 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thực hiện theo cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng; thực hiện duy tu, bảo dưỡng bằng nguồn vốn của Chương trình đối với 5.484 công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn…
Nhưng do địa hình hiểm trở, chia cắt, lại thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như lũ quét, sạt lở đất… nên cơ sở hạ tầng ở khu vực miền núi thường xuyên bị xâm hại.
Chính vì vậy, để hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhiều địa phương kiến nghị, giai đoạn 2026-2030, Chương trình cần tăng cường tỷ lệ vốn đầu tư (vốn đầu tư chiếm ít nhất 70%, vốn sự nghiệp khoảng 30%) và tăng mưc đầu tư tối thiểu bằng 1,5 lần so với giai đoạn 2021-2025.

Để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng vẫn là một trong những mục tiêu then chốt. Trong ảnh là đường giao thông ở xã Trà My, TP. Đà Nẵng - Ảnh: Huy Trường
Theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nhu cầu đầu tư của các địa phương. Đồng thời, cơ chế phân bổ nguồn lực của Chương trình được xây dựng chung cho tất cả các địa phương, trong khi điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của địa bàn thực hiện Chương trình có sự khác nhau giữa các vùng miền nên một số địa phương còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai.
Những kiến nghị, đề xuất của các bộ ngành, địa phương về thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030 sẽ được thảo luận và đưa ra giải pháp tại Hội nghị toàn quốc tổng kết giai đoạn I. Những kết quả đạt được cũng như nhưng tồn tại, hạn chế trong giai đoạn I sẽ là những kinh nghiệm quý để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực "về đích" Chương trình MTQG cả giai đoạn theo quyết nghị của Quốc hội khóa XIV tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, với trọng tâm xóa "5 nhất" ở vùng "lõi nghèo".
Như Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã khẳng định tại buổi làm việc giữa Bộ với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chiều ngày 0/4/2025 là giai đoạn 2026-2030, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 tập trung vào 5 vấn đề thiết yếu, gồm: Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của đồng bào DTTS; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ DTTS có khó khăn đặc biệt, DTTS ít người; tuyên truyền, truyền thông và kiểm tra giám sát việc thực hiện; trong đó ưu tiên lựa chọn một số vấn đề có tính chất cốt lõi, dành riêng cho đồng bào DTTS.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo - Cơ quan chủ quản Chương trình MTQG 1719 đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào DTTS; quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở;…
Sơn Hào