
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm việc với tỉnh Kiên Giang về chống khai thac hải sản bất hợp pháp, không theo quy định - Ảnh: VGP/LS
Tàu cá vi phạm: Khởi tố 25 vụ, phạt tiền hơn 44 tỷ đồng
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn, ông Lê Hữu Toàn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kiên Giang – cho biết: Thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị và địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm chống khai thác IUU, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của tỉnh và bước đầu đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong khai thác hải sản vẫn còn diễn ra.
Cụ thể, năm 2024 đã xử lý 836 vụ với số tiền hơn 44,3 tỷ đồng. Trong đó, từ năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố 25 vụ (2 vụ đã xét xử, 5 vụ chuyển Viện kiểm sát truy tố, 17 vụ đang tiếp tục điều tra, 1 vụ đình chỉ điều tra), 5 vụ đang xác minh, điều tra làm rõ.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của UBND tỉnh, công văn của Tỉnh ủy về công tác này; tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và địa phương bố trí đủ nguồn lực cho các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Xử lý dứt điểm tàu cá "3 không"
Đề cập đến việc xử lý dứt điểm tàu cá "3 không" (không đăng kí, không đăng kiểm, không được cấp phép) khi tham gia đánh bắt thủy sản trên biển, ông Lê Hữu Toàn nêu rõ: Kiên Giang đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ công tác truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác qua Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác điện tử eCDT; theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS.
Đồng thời, bảo đảm 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên ra vào cảng, xuất nhập bến phải có đầy đủ giấy tờ (đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, đánh dấu tàu cá), có lắp đặt thiết bị VMS, đặc biệt là thiết bị VMS trên tàu phải đảm bảo hoạt động bình thường theo quy định.
Kiên quyết điều tra, xử lý 100% tàu cá của Kiên Giang khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài khi bị phát hiện. Đồng thời, tập trung điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ để truy tố, xét xử nghiêm các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá và ngư dân Kiên Giang đi khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
Trả lời về các nhiệm vụ và giải pháp dài hạn, ông Lê Hữu Toàn cho biết: Tỉnh sẽ điều chỉnh cơ cấu ngành thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng khai thác, tăng tỷ trọng nuôi trồng, đặc biệt tập trung phát triển nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi công nghệ cao và đẩy mạnh nuôi biển. Mục tiêu là phát triển hài hòa, bền vững giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm khoảng 2.550 tàu cá, đưa tổng số tàu khai thác còn khoảng 9.219 chiếc, nhằm cơ cấu lại nghề khai thác thủy sản theo hướng bền vững.
Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đạt 6% diện tích biển tự nhiên được bảo tồn.
Xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân có tàu cá bị cắt giảm hoặc chuyển đổi nghề, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và nghề nghiệp mới.
Tiếp tục thực hiến tốt công tác truy xuất nguồn gốc thuỷ sản xuất khẩu; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thuỷ sản điện tử eCDT.

Kiên Giang kiên quyết xử lý dứt điểm tàu cá "3 không" (không đăng kí, không đăng kiểm, không được cấp phép) khi tham gia đánh bắt thủy sản trên biển - Ảnh: VGP/LS
Với những giải pháp quyết liệt trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lê Hữu Toàn cho biết: Kiên Giang đã hoàn thành 100% công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp phép với tàu cá "3 không" và đưa vào quản lý; tỷ lệ tàu cá được đăng kiểm, đăng ký, cấp phép tăng lên; thông tin tàu cá được cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về nghề cá (VNFishbase).
Các lực lượng thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác chống khai thác IUU, nhất là trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt tại vùng khơi giáp ranh Kiên Giang – Cà Mau và vùng biển chồng lấn. Sự phối hợp đồng bộ các lực lượng đã góp phần nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm IUU.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang đang đẩy mạnh đợt cao điểm rà soát mở rộng đối tượng có nguy cơ khai thác IUU, thành lập Đoàn công tác làm việc, vận động các chủ tàu có tàu cá hoạt động gần ranh giới với các nước trong khu vực không vượt ranh giới qua khai thác nước ngoài; kiên quyết xử lý hình sự các tàu cá vi phạm quy định của pháp luật.
Theo ông Lê Hữu Toàn, các kết quả đạt được của tỉnh Kiên Giang sẽ đóng góp quan trọng vào việc Việt Nam sớm gỡ "thẻ vàng" EC. Việc thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của EC, quản lý tốt tàu cá từ khâu đăng ký, đăng kiểm và cấp phép, cùng với giám sát chặt chẽ qua hệ thống VMS sẽ giúp ngừng tình trạng tàu cá mất kết nối và vượt ranh giới khai thác, hướng tới mục tiêu gỡ "thẻ vàng" trong đợt kiểm tra lần thứ 5.
Lê Sơn