![]() |
Bắc Kinh đang chơi những nước cờ quyết đoán với lập trường vững vàng trong "bàn cờ" cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc. (Nguồn: setav.org) |
Bước đột phá trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc đã làm giảm bớt căng thẳng đối với "chiến dịch" thuế quan toàn cầu do Tổng thống Donald Trump phát động kể từ khi ông quay trở lại nắm quyền tại Nhà trắng.
Theo tuyên bố chung được hai nước công bố, Mỹ-Trung Quốc đồng ý dỡ bỏ mạnh mẽ thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong thời hạn 90 ngày đầu tiên. Đây là diễn biến khiến cả thế giới "thở phào" nhưng cũng không khỏi bất ngờ, giúp vực dậy thị trường toàn cầu khỏi một phen "chếnh choáng", bởi loạt đòn thuế quan.
Trước đó ít ngày, chính quyền Tổng thống Trump phát động cuộc đối đầu giằng co về thuế quan, bằng cách tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Trong một động thái nhanh chóng và quyết đoán, Trung Quốc đã đáp trả bằng các biện pháp đối phó cứng rắn. Sau khi nâng mức thuế quan với hàng hóa Mỹ lên 125%, Bắc Kinh thẳng thừng tuyên bố - việc đưa ra thêm các biện pháp trả đũa là vô nghĩa vì thị trường Trung Quốc không thể chấp nhận hàng nhập khẩu Mỹ với mức thuế hiện tại.
Thận trọng và có tính toán
Lập trường quyết đoán khác thường của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của toàn cầu. Trong bối cảnh thuế quan tăng vọt và con đường phía trước còn mờ mịt, thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị đình trệ, báo hiệu tình trạng tách rời trên thực tế trong quan hệ song phương.
Theo lẽ thường, khi hai nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, việc giải quyết sự mất cân bằng thương mại nên đi theo con đường đàm phán và ngoại giao. Với danh tiếng từ lâu của Trung Quốc về việc phản ứng có chừng mực và kiềm chế, hành động đáp trả nhanh chóng và quyết đoán của chính phủ nước này trong cuộc chiến thuế quan hiện tại khiến nhiều người bất ngờ. Trái với những thay đổi chính sách thường không thể dự đoán được của Chính quyền Trump, Bắc Kinh nhìn chung được biết đến là thận trọng và có tính toán khi đưa ra quyết định.
Lập trường vững vàng của Trung Quốc trong cuộc xung đột thương mại này không mang tính đối phó, mà là một sản phẩm của tầm nhìn chiến lược, khả năng chống chịu của nền kinh tế và các cân nhắc địa chính trị rộng hơn.
Bài viết trên trang mạng Valdai Club bình luận, Trung Quốc đã chuẩn bị cho thời khắc này trong suốt 10 năm qua. Theo thời gian, trong nỗ lực đa dạng hóa sự phụ thuộc thương mại, Bắc Kinh đã giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ một cách có hệ thống. Kết quả là xuất khẩu sang Mỹ hiện chiếm chưa đến 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức khoảng 20% vào năm 2018.
Theo một số dự đoán, ngay cả trong viễn cảnh xấu nhất là từ bỏ việc bán hàng cho Mỹ, tác động ngắn hạn đối với tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ chỉ giảm 0,5% về mặt lý thuyết - một mức có thể chấp nhận được. Trong khi đó, chiến lược “tuần hoàn kép” mà Trung Quốc áp dụng nhiều năm trước, để khuyến khích thay đổi trọng tâm tiêu dùng trong nước sang hướng ưu tiên tự cung cấp và nhu cầu trong nước, đã giảm thiểu các cú sốc từ bên ngoài.
Việc Trung Quốc triển khai hiệu quả các sáng kiến như “Made in China 2025” hay “Vành đai và con đường” (BRI) cũng đã đóng góp vào mục tiêu cuối cùng là giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc đối với công nghệ và thị trường Mỹ.
Bằng cách kiểm soát 80-90% hoạt động chế biến đất hiếm trên toàn cầu và các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng (như liti, coban), Trung Quốc nắm quyền chi phối các khoáng sản trọng yếu. Các ngành công nghiệp quốc phòng và công nghệ xanh của Mỹ sẽ gặp bế tắc nếu không có nguồn cung từ Trung Quốc.
Đồng thời, trong lĩnh vực chất bán dẫn, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc đang đạt được tiến triển trong sản xuất chip dưới 7 nm (như thử nghiệm 5 nm của Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế SMIC) và đã có đột phá trong các giải pháp thay thế khác và cuối cùng sẽ không còn phụ thuộc vào công ty chuyên sản xuất máy quang khắc ASML của Hà Lan và Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) do Mỹ kiểm soát.
Ngoài ra, trong lĩnh vực tài chính, để giảm thiểu rủi ro Mỹ vũ khí hóa đồng USD, Trung Quốc hiện nắm giữ 800 tỷ USD trái phiếu Mỹ (giảm so với mức cao nhất từng đạt), đồng thời Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến trình phi USD hóa bằng cách khuyến khích thêm các đối tác thương mại, bao gồm các thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), sử dụng tiền nội tệ trong thanh toán song phương. Điều này có thể làm suy yếu và gây bất ổn cho hệ thống tài chính Mỹ.
Những nước cờ chậm nhưng chắc
Bất kể động cơ của Tổng thống Trump là gì, tuyên bố “Ngày Giải phóng” của ông về việc tăng mức thuế quan áp đặt trên khắp thế giới đã giúp Trung Quốc có cơ hội mô tả hành động của Mỹ là “cưỡng ép kinh tế”, mang lại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lợi thế và giúp nước này giành được sự ủng hộ thầm lặng của các nước Nam Bán cầu, vốn cảnh giác với chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.
Việc không quốc gia lớn nào chỉ trích biện pháp đáp trả của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy phán đoán đúng đắn của Bắc Kinh trong bối cảnh địa chính trị. Chậm nhưng chắc, Trung Quốc đang mở rộng các liên minh toàn cầu của mình bằng BRI và Nhóm BRICS mở rộng nhằm mang lại những con đường thương mại và đối tác thay thế. Một thực tế khác không thể bỏ qua là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, vượt qua cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Một yếu tố khác mà có lẽ ít người chú ý là sự ủng hộ của công chúng đối với quyết định đáp trả lần này của Bắc Kinh. Người Trung Quốc phần lớn ủng hộ lập trường của chính phủ, coi mức thuế quan cao bất thường của Mỹ là hành động bất công và dường như chủ nghĩa dân tộc đã được tận dụng để tập hợp sự ủng hộ của công chúng, giúp vượt qua các khó khăn kinh tế có thể xảy ra nếu xung đột thương mại tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp.
Điểm tích cực còn nằm ở mô hình kinh tế độc đáo của Trung Quốc, giúp chính phủ có sự linh hoạt đáng kể trong chính sách công nghiệp. Điều này cho phép nền kinh tế thứ hai thế giới phân bổ lại nguồn lực nhanh chóng, bao gồm cả việc sắp xếp linh hoạt nguồn trợ cấp, hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu chịu ảnh hưởng và các chương trình đào tạo lại cho người lao động bị mất việc, cùng nhiều biện pháp khác.
Thông thường, trong chiến tranh thương mại, việc phân tích thận trọng và khách quan về khả năng chống chịu của đối phương cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định. Thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm Trung Quốc như xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời và các mặt hàng tiêu dùng khác sẽ có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát và chia rẽ trong nước tại Mỹ - một gánh nặng chính trị cho Chính quyền.
Một bằng chứng khác về một "nước cờ sai" của Mỹ là các chính sách kiềm chế của nước này. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei và SMIC đã dẫn đến phản ứng dữ dội trong lĩnh vực công nghệ, dẫn tới thúc đẩy Trung Quốc tự chủ và cải tiến công nghệ. Một ví dụ là chip Kirin 7 nm của Huawei và việc Trung Quốc tiếp tục kiểm soát trạm gốc 5G. Ngoài ra, EU và ASEAN không đồng ý liên kết hoàn toàn với các nỗ lực “tách rời” của Mỹ, với việc Đức phản đối mức thuế đối với xe điện và ASML vận động chống lại các hạn chế về chip cho thấy sự chia rẽ giữa các đồng minh của Mỹ khi đứng trước các lợi ích cơ bản.
Bài viết trên trang mạng Valdai Club đưa ra kết luận, nhìn chung, hành động trả đũa của Trung Quốc là một động thái tính toán chiến lược, không phải là phản ứng bốc đồng. Đây là điều tất yếu sau nhiều năm bị phủ bóng bởi nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bằng cách chấp nhận tổn thất ngắn hạn, điều được cho là thúc đẩy các mục tiêu của Trung Quốc là mong muốn phá vỡ thế bá quyền của Mỹ trong thương mại và công nghệ, củng cố trật tự thế giới đa cực, nơi đồng nhân dân tệ và các phương án thay thế cho BRI sẽ cạnh tranh với hệ thống phương Tây, do đồng USD thống trị, đồng thời chứng minh với các đồng minh và đối thủ rằng, đầu hàng trước sức ép của Mỹ không phải là con đường duy nhất để tiến lên phía trước.
Trong cuộc cạnh tranh thương mại lần này, dường như thông điệp được gửi đến Mỹ đã rõ ràng - Hãy coi Trung Quốc là đối thủ ngang hàng, không phải là một bên có thể bị thao túng. Có thể nói một cách khách quan rằng, thời điểm này đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi chủ nghĩa đơn phương gặp phải sự phản kháng không thể đảo ngược.