xuân

Xóa ‘lõi nghèo’ vùng đồng bào DTTS và miền núi - Bài 2: Nỗ lực lớn, quyết tâm cao

(Chinhphu.vn) - Những kết quả của Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn I kết tinh nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị các cấp; nhất là trong điều kiện đây là lần đầu tiên triển khai một chương trình mục tiêu quốc gia dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có nội dung rộng, quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Xóa ‘lõi nghèo’ vùng đồng bào DTTS và miền núi - Bài 2: Nỗ lực lớn, quyết tâm cao- Ảnh 1.

Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 1 đã tháo gỡ về vốn, đất đai cho bà con DTTS

Gỡ "điểm nghẽn" về vốn thực hiện chính sách

Trước khi Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trên địa bàn "lõi nghèo" của cả nước đang có 118 chính sách còn hiệu lực thi hành.

Trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho các đồng bào DTTS, vùng đồng bào DTTS và miền núi, 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các DTTS. Ngoài những chính sách tác động trực tiếp thì còn có 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Mặc dù số lượng nhiều, nhưng đại đa số các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trước năm 2020 đều không đạt được các mục tiêu đề ra. Một trong những nguyên nhân chính là do không có dòng vốn riêng để thực hiện chính sách.

Khi giải trình trước Quốc hội khóa XIV ngày 30/8/2019 về việc thực hiện chính sách dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến (hiện là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đã bày tỏ: "Đồng bào DTTS hầu hết đều nghèo, lại sinh sống ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, ở xã nghèo, huyện nghèo, tỉnh nghèo mà chúng ta cứ tránh từ vốn và tiền thì không thể thực hiện được".

Trong quá trình thảo luận Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhiều đại biểu Quốc hội khóa XIV đã đề nghị cấp có thẩm quyền rà soát, cân đối nguồn lực để bố trí đủ vốn để thực hiện chính sách; tránh tình trạng chính sách dân tộc giai đoạn tới lại một lần nữa được ví như "một loại quả đẹp mà không ăn được".

Xóa ‘lõi nghèo’ vùng đồng bào DTTS và miền núi - Bài 2: Nỗ lực lớn, quyết tâm cao- Ảnh 2.

Đoàn công tác Văn phòng điều phối Chương trình MTQG 1719 Trung ương kiểm tra mô hình hỗ trợ cây sầu riêng cho hộ đồng bào DTTS xã Ya Ly, tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: Ngọc Chí

"Điểm nghẽn" về vốn thực hiện chính sách dân tộc đã được tháo gỡ trong Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, giai đoạn I (2021-2025), Quốc hội quyết nghị bố trí tối thiểu 137.664 tỷ đồng từ vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện Chương trình.

Thực hiện quyết nghị của Quốc hội, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: 2021-2025 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719). Tổng số vốn để thực hiện 10 dự án thành phần giai đoạn I được xác định là 137.664,959 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương (NSTW) là 104.954,011 tỷ đồng.

Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhất là dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Chính phủ vẫn quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tính đến 31/5/2025, tổng vốn NSTW đã giao thực hiện Chương trình là 89.728,430 tỷ đồng, đạt 85,5% kế hoạch vốn; trong đó có 49.163,505 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (đạt 98,3% so với kế hoạch vốn được duyệt) và 40.564,925 tỷ đồng vốn sự nghiệp (đạt 75% so với kế hoạch vốn được duyệt).

Một trong những dấu ấn của việc gỡ "điểm nghẽn" về vốn thực hiện chính sách trong Chương trình MTQG 1719 là nguồn lực thực hiện được phân bổ chi tiết cho từng dự án, tiểu dự án và các nội dung chính sách thành phần. Nhờ đó, việc đánh giá tác động của chính sách được "kiểm kê" cụ thể, minh bạch, vốn là một hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc trước đây.

Đơn cử như chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, trước khi có Chương trình MTQG 1719, chính sách này đã được quy định tại rất nhiều Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg; Quyết định số 755/QĐ-TTg, Quyết định số 2085/QĐ-TTg,…). Nhưng sau nhiều năm thực hiện, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của đồng bào DTTS trên phạm vi cả nước có chiều hướng gia tăng. Ngoài nguyên nhân thiếu vốn thực hiện thì còn do việc thống kê, đánh giá chưa được cụ thể, có tình trạng chồng chéo, trùng lắp.

Sau khi được tích hợp vào Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS đã được "kiểm kê" cụ thể, thống nhất. Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, thực hiện Dự án 1, đến nay cả nước đã hỗ trợ đất ở cho 10.549 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 42.567 hộ, hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 13.387 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 54.899 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 479.358 hộ; đầu tư xây dựng 809 công trình nước sinh hoạt tập trung…

Xóa ‘lõi nghèo’ vùng đồng bào DTTS và miền núi - Bài 2: Nỗ lực lớn, quyết tâm cao- Ảnh 3.

Nhà văn hóa xã Đông Giang, TP. Đà Nẵng được đầu tư từ vốn Chương trình MTQG 1719 - Ảnh: Huy Trường

Vừa triển khai, vừa tháo gỡ vướng mắc

Xác định Chương trình MTQG 1719 là giải pháp đột phá để xóa "lõi nghèo" của cả nước, để "không bỏ ai lại phía sau", các bộ ngành Trung ương và các địa phương đã nỗ lực giải ngân vốn các dự án, tiểu dự án thành phần. Nhờ đó, giai đoạn 2022-2024, kết quả giải ngân vốn Chương trình MTQG 1719 năm sau cao hơn năm trước.

Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, nếu năm 2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSTW thực hiện Chương trình đạt khoảng 25,6% kế hoạch thì các năm 2023, năm 2024 đạt lần lượt là 82% và 83% kế hoạch. Tính theo tỷ lệ vốn tuyệt đối trong 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, kết quả giải ngân vốn đầu tư công thực hiện Chương trình MTQG 1719 cao hơn gần 1,03 lần so với tổng vốn của cả 02 Chương trình MTQG cùng giai đoạn.

Trong những tháng đầu năm 2025, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung chủ yếu cho công tác kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp nên ảnh hưởng đến công tác tổ chức triển khai, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình tại các địa phương. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn Chương trình MTQG 1719 vẫn đạt được kết quả khả quan.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, ước giải ngân vốn đầu tư công (đã bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang năm 2025) đến 30/6/2025 của Chương trình MTQG 1719 đạt khoảng 5.331,803 tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch. Kết quả giải ngân vốn sự nghiệp nguồn NSTW (đã bao gồm kinh phí từ các năm được chuyển nguồn sang năm 2025) tính đến hết 31/5/2025 được 2.302,233 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch.

Xóa ‘lõi nghèo’ vùng đồng bào DTTS và miền núi - Bài 2: Nỗ lực lớn, quyết tâm cao- Ảnh 4.

Diện mạo mới ở vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh: Ngọc Chí

Kết quả thực hiện Chương trình MTQG 1719 đến thời điểm này có thể xem một thành tựu kết tinh từ nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị các cấp. Bởi thực tế, trong quá trình triển khai Chương trình, rất nhiều vướng mắc phát sinh, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I được xác định thời gian thực hiện là 5 năm (2021-2025). Tuy nhiên, phải đến giữa năm 2022, công tác phân bổ và giao vốn mới hoàn thành. Điều này đồng nghĩa, thời gian thực tế thực hiện giai đoạn I của các bộ, ngành, địa phương chỉ trong khoảng 3,5 năm.

Nguyên nhân triển khai chậm là do, Chương trình MTQG 1719 được phê duyệt ngày 14/10/2021, Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn NSTW và tỷ lệ vốn đối ứng của NSĐP thực hiện Chương trình MTQG 1719 được ban hành ngày 30/12/2021. Vì thế, cấp có thẩm quyền không có cơ sở để bố trí dự toán kinh phí thực hiện Chương trình MTQG 1719 trong năm 2021.

Theo đánh giá của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, một trong những khó khăn nhất trong quá trình triển khai Chương trình MTQG 1719 là, đây là chương trình MTQG đầu tiên dành cho đồng bào DTTS, với nguyên tắc đầu tư tập trung, ưu tiên vùng "lõi nghèo"; có nội dung rộng, quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực; kinh nghiệm đúc kết từ giai đoạn trước là hầu như không có.

Vì vậy, Chương trình MTQG 1719 được vận hành với phương châm: Vừa triển khai vừa tháo gỡ vướng mắc phát sinh để đưa ra kinh nghiệm thực tiễn. Điều này được thể hiện rõ nét ở số lượng văn bản được các cấp, ngành ban hành để triển khai Chương trình.

Xóa ‘lõi nghèo’ vùng đồng bào DTTS và miền núi - Bài 2: Nỗ lực lớn, quyết tâm cao- Ảnh 5.

Diện mạo mới ở vùng cao Quảng Ngãi - Ảnh: Ngọc Chí

Số liệu của Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong tài liệu phục vụ Hội nghị toàn quốc tổng kết giai đoạn I Chương trình MTQG 1719 sẽ được tổ chức ngày mai 12/7 cho thấy, đến nay đã có 89 văn bản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng ban hành/trình ban hành để triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội.

Trong đó, xét về nội dung có 19 văn bản quy định về công tác tổ chức quản lý, chỉ đạo; có 70 văn bản quy định cơ chế chính sách, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình (bao gồm 02 Nghị quyết của Quốc hội; 04 Nghị định của Chính phủ; 15 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 49 văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Chương trình được ban hành theo thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ).

Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng triển khai các quy định, văn bản hướng dẫn, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng; một số nội dung thuộc Chương trình MTQG 1719 còn gặp vướng mắc liên quan đến các quy định, hướng dẫn về cơ chế chính sách; đối tượng thụ hưởng từ một số chính sách hỗ trợ đầu tư từ Chương trình có xu hướng thu hẹp (tỷ lệ hộ nghèo giảm theo lộ trình xã đạt nông thôn mới);… Đặc biệt là tinh thần "dám nghĩ, dám làm" của cấp cơ sở chưa được phát huy tối đa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình MTQG. Nghị quyết đã tạo sự đột phá về xử lý tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc phân cấp, phân quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG 1719.

Những vướng tắc, tồn tại trong quá trình thực hiện rất cần được các bộ ngành, địa phương phân tích thấu đáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết giai đoạn I Chương trình MTQG 1719 dự kiến tổ chức ngày 12/7 tới đây, từ đó đúc rút kinh nghiệm để triển khai cho giai đoạn 2026-2030. Bởi thực tế, dù nhiều vấn đề cấp bách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện đã cơ bản được giải quyết, nhưng đây vẫn đang là địa bàn "lõi nghèo" của cả nước.

Tính đầu tháng 12/2023 đến hết tháng 6/2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền/trình ban hành 23 văn bản quy định cơ chế chính sách, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình MTQG 1719; gồm: 2 Nghị quyết của Quốc hội; 1 Nghị định của Chính phủ; 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 17 văn bản của bộ, cơ quan Trung ương để bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách khung và hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp, tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đầu tư và sử dụng nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài.

* Bài cuối: Tập trung giải quyết '5 nhất'

Sơn Hào