Giáo viên là tấm gương
Ông Nguyễn Xuân Ký tốt nghiệp Trường cao đẳng Chí Linh (Hải Dương). Sau đó, ông học đại học chuyên ngành khoa học môi trường tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau đó, ông này học chương trình thạc sĩ quản trị an ninh phi truyền thống, tiến sĩ quản trị và phát triển bền vững tại HSB. Việc ông Ký trở thành giảng viên Trường Quản trị và Kinh doanh nhận được sự quan tâm đặc biệt trên mạng xã hội.
![]() |
Ông Nguyễn Xuân Ký tại một hội nghị gặp mặt doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Sơn |
Có lẽ, dư luận sẽ không quan tâm nếu như ông Ký không vướng án kỉ luật của Bộ Chính trị với hình thức cảnh cáo. Có người nêu quan điểm Bộ GD&ĐT đang chống dạy thêm bằng ngọn cờ tôn trọng nghề nghiệp. Nghề giáo khác hoàn toàn những nghề khác, khi người thầy có “vết đen”, thật khó để các sinh viên ngồi phía dưới không hoài nghi về năng lực, phẩm chất người đứng trên bục giảng.
GS.TS Trần Văn Chứ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp chia sẻ, về trình độ chuyên môn, những người ngoại đạo khó có thể nhận định. GS Chứ đánh giá cao năng lực quản lí và thực tế của ông Ký vì đã kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, nhà giáo, nhất là trong lĩnh vực giáo dục đại học, xã hội đang đặt ra yêu cầu cao ở 3 yếu tố: Tâm, đức, tài. “Ông Ký mới bị kỉ luật (cuối năm 2024 - pv) sẽ có những xì xào trong sinh viên. Điều này ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của người học và có thể cho chính bản thân ông Ký”, GS Trần Văn Chứ nói. Do vậy, ông không ủng hộ việc ông Ký đứng lớp giảng dạy trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang chú trọng lấy đức làm trọng. Theo GS Chứ, muốn đứng trên bục giảng, ông Ký cần có thời gian phấn đấu trở lại.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nguyên Chủ tịch Hội Giáo dục tâm lý Hà Nội cho hay, với trường hợp của ông Ký, cần xem xét cẩn trọng nhiều yếu tố. Ông Ký không bị tước quyền công dân nên có quyền lựa chọn công việc, đơn vị phục vụ. Nhưng công việc mà ông Ký lựa chọn là giáo viên. Đứng dưới góc độ phẩm chất, đạo đức nhà giáo thì không nên. Giáo viên là tấm gương của học trò. Nếu những sai phạm của ông Ký do đưa ra những quyết định sai trong quản lí, có thể tạo điều kiện bằng cách cần thời gian cho ông làm những công việc khác trong trường để thử thách năng lực, phẩm chất.
Tâm thế người thầy-tâm thế sinh viên
Nguyên lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc tiếp nhận hay không những trường hợp như ông Nguyễn Xuân Ký là quyền của mỗi nhà trường. Trước vụ việc liên quan đến con người cần đánh giá đa chiều như sai phạm của họ liên quan đến vấn đề đạo đức hay liên quan đến năng lực quản lí yếu kém, đưa ra những quyết định sai lầm…Theo vị này, sở dĩ dư luận băn khoăn, quan tâm vì công việc mới của ông Ký là giảng viên, tức làm thầy. Tâm thế người thầy, tâm thế của sinh viên sẽ như thế nào.
Về phía Bộ GD&ĐT, một số đơn vị liên quan đều từ chối nêu quan điểm khi PV Tiền Phong đặt câu hỏi. Qua điện thoại, ông Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh cho biết đang đi công tác và sẽ trao đổi cụ thể sau. PV Tiền Phong cũng điện thoại, nhắn tin cho giảng viên Nguyễn Xuân Ký nêu 2 câu hỏi: “Anh thấy trình độ của mình có thể dạy được môn gì? Anh có ngại dư luận khi bản thân bị kỷ luật vì gây hậu quả nghiêm trọng trong quản lý mà vẫn đi dạy?”. Tuy nhiên, cho tới cuối ngày 18/4, không có hồi âm nào từ phía ông Ký.
Ông Nguyễn Xuân Ký từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh các khóa XIV, XV; đồng thời kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh các khóa XIII, XIV. Cuối năm 2024, UBKT T.Ư xác định, ông này đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước; gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.