![]() |
Hội nghị thượng đỉnh BRICS2025 diễn ra trong hai ngày 6-7/7 tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil. (Nguồn: oseringal.com) |
Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS+) diễn ra trong hai ngày 6-7/7 tại thành phố xinh đẹp Rio de Janeiro của Brazil – nước Chủ tịch luân phiên BRICS 2025.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia quan tâm, tham gia khối kinh tế mới nổi này, Các nhà lãnh đạo BRICS+ được kỳ vọng sẽ đạt được sự đồng thuận trong định hình lại tiềm năng, phát triển thương mại và khả năng ảnh hưởng như thế nào trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng?
Theo kế hoạch, Hội nghị quan trọng nhất của BRICS+ trong năm tập trung vào mục tiêu Nam bán cầu toàn cầu bao trùm và bền vững, bao gồm đa dạng vấn đề, từ thương mại, y tế, công nghệ số, khí hậu, quỹ bảo tồn rừng và cơ chế bảo lãnh đầu tư mới thông qua Ngân hàng Phát triển mới (NDB).
Động lực đa dạng, cơ hội hứa hẹn
Tại Hội nghị thượng định Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đấu thế giới (BRICS) tháng 10/2024 tại Kazan (Nga), năm nước sáng lập là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã chính thức đón thêm bốn thành viên Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Đầu năm 2025, Indonesia chính thức trở thành thành viên thứ mười.
Mới đây nhất, tháng 6/2025, Việt Nam là quốc gia thứ mười trở thành Đối tác của khối, bên cạnh Belarus, Bolivia, Cuba, Kazakhstan, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Uganda và Uzbekistan.
Nếu cập nhật sự góp mặt mới nhất của Việt Nam, BRICS+ đã mở rộng lên 20 quốc gia, trong đó có 10 thành viên và 10 đối tác, chiếm 44% GDP toàn cầu và 56% dân số thế giới, BRICS+ đang nổi lên như một lực lượng địa – kinh tế “đáng gờm” trên trường quốc tế.
Theo nghiên cứu mới nhất thuộc Chương trình Trật tự và thể chế toàn cầu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Quỹ Carnegie Endowment for International Peace) động lực của các quốc gia tham gia BRICS rất đa dạng, từ khao khát tiếp cận nguồn vốn phi điều kiện, gia tăng ảnh hưởng đối ngoại, cho đến việc tránh lệ thuộc hơn vào các thể chế do phương Tây chi phối.
Chẳng hạn, nước chủ nhà BRICS 2025 – Brazil có được những lợi ích hữu hình từ tư cách thành viên, với uy tín và ảnh hưởng địa chính trị, giúp duy trì quan hệ cân bằng với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất và gia tăng vị thế trên sân khấu quốc tế.
Nga coi BRICS là một “vùng an toàn” trong cả kinh tế và ngoại giao, để thoát khỏi sự cô lập do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt. Nga tích cực thúc đẩy các sáng kiến như thanh toán nội tệ, hệ thống SWIFT thay thế và trung tâm giao dịch hàng hóa trong khối.
Trung Quốc lại nhìn BRICS như “cánh tay nối dài” của ảnh hưởng toàn cầu. Bắc Kinh chủ động mở rộng BRICS để gia tăng vị thế trong Nam bán cầu, thúc đẩy toàn cầu hóa theo cách của Bắc Kinh – thông qua sáng kiến Vành đai, con đường (BRI), hợp tác công nghệ, chuyển giao trí tuệ nhân tạo và quốc tế hóa Nhân dân tệ.
Trong khi đó, Ấn Độ hay Nam Phi lại tiếp cận thận trọng hơn. Họ kỳ vọng BRICS là nơi nâng cao tiếng nói và quyền tự chủ chiến lược, nhưng không muốn trở thành khối đối lập với phương Tây một cách cực đoan.
Ai Cập, Ethiopia hay Iran xem BRICS như một lựa chọn thay thế cho những ràng buộc của các thiết chế tài chính phương Tây.
Indonesia - quốc gia đông dân nhất ASEAN gia nhập với mục tiêu tăng cường địa vị quốc tế, duy trì độc lập đối ngoại và tìm kiếm đòn bẩy phát triển.
Một điểm đồng thuận đáng kể giữa các nước BRICS và các đối tác là mong muốn cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu – vốn lâu nay bị cho là nghiêng về phương Tây và đặt ra nhiều điều kiện đối với các nước đang phát triển. Theo đó, Ngân hàng phát triển mới (NDB), hay Thỏa thuận dự trữ dự phòng (CRA) đang dần mở rộng quy mô, cho vay bằng tiền tệ địa phương thay vì đồng USD và không đi kèm các điều kiện tài chính cao hay yêu cầu cải cách mạnh mẽ như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng thế giới (WB).
Hiện mục tiêu gia tăng thương mại bằng nội tệ, phát triển hệ thống thanh toán phi SWIFT, thiết lập các trung tâm giao dịch năng lượng, kim loại và nông sản... đang được các thành viên đẩy mạnh. Tuy nhiên, để BRICS thực sự trở thành một trụ cột kinh tế, còn cần nhiều bước đi đồng bộ, nhất là khi sự đồng thuận trong nội khối chưa đủ chặt chẽ.
"Xây cầu" đến tương lai bền vững
Các nhà phân tích của Quỹ Carnegie nhận định, BRICS tuy mở rộng nhanh nhưng lại đối diện nhiều khác biệt trong nội bộ. Từ mâu thuẫn địa chính trị Ấn Độ - Trung Quốc, đến khác biệt về lập trường quan hệ với Mỹ… BRICS còn gặp nhiều thách thức trên con đường trở thành một khối đồng nhất về định hướng đối ngoại.
Ngoài ra, xét về mặt các hệ thống hay thể chế trong BRICS đều còn “non trẻ”, chưa đủ lớn mạnh để lần lướt G7 hay IMF... Trong khi, nguy cơ xung đột lợi ích lại là một rào cản không dễ dàng bỏ qua.
Theo đánh giá của Quỹ Carnegie, phần lớn các quốc gia trong và ngoài BRICS đều tránh phải chọn bên, mà mong muốn duy trì sự linh hoạt trong đối ngoại. Với họ, BRICS là nền tảng để mở rộng không gian chiến lược, nâng cao ảnh hưởng và quyền tự chủ trong trật tự toàn cầu và tăng cường tiếng nói tại các thể chế quốc tế, chứ không phải là một diễn đàn đối đầu với Mỹ, EU hay G7.
Chẳng hạn, trước mắt, đối với một số thành viên BRICS, bao gồm cả Trung Quốc, đây không phải thời điểm thích hợp để gây thêm căng thẳng với nền kinh tế số 1 thế giới. Họ đều đang trong các cuộc đàm phán thương mại khó khăn với Mỹ và đều không muốn làm phật lòng một đối tác quan trọng như vậy. Đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từng lên tiếng tuyên bố áp thuế 100% đối với các quốc gia thách thức sự thống trị của đồng USD.
Trên thực tế, vai trò nổi bật của Trung Quốc và một số sáng kiến mang tính chất đối trọng với trật tự do phương Tây chi phối – như giảm phụ thuộc vào đồng USD, xây dựng hệ thống thanh toán riêng, quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, củng cố ảnh hưởng ở Nam bán cầu – đang khiến BRICS dần nghiêng về một trục liên kết “không phương Tây”.
Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, nếu không kiểm soát tốt, những yếu tố trên có thể ảnh hưởng tới sự đồng thuận nội khối, khiến các thành viên có xu hướng trung lập như Ấn Độ, Brazil, UAE hoặc Indonesia… thận trọng hơn.
Câu hỏi đặt ra với BRICS hiện nay là - liệu nhóm có đủ khả năng đóng vai trò là “cây cầu kết nối” giữa các trung tâm quyền lực toàn cầu?
Một tương lai bền vững cho BRICS đòi hỏi phải cân bằng giữa hai mục tiêu chiến lược: khát vọng tự chủ của các nước đang phát triển và nhu cầu hợp tác để đối phó với các thách thức toàn cầu – như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và bất ổn kinh tế. Điều này yêu cầu BRICS cần trở thành không gian đối thoại mở, bao trùm và tôn trọng sự khác biệt giữa các thành viên.
Nghiên cứu của Quỹ Carnegie cho rằng, BRICS đang đứng trước một ngã rẽ lịch sử. Nếu chỉ tập trung mở rộng quy mô mà không xây dựng được nền tảng thể chế gắn kết và thực chất, khối có thể rộng lớn nhưng thiếu sức mạnh điều phối. Thậm chí, nếu bị cuốn vào cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc trong khối, BRICS có nguy cơ trở thành một liên minh chính trị – kinh tế phân mảnh, khó định hình được tương lai chung.
Ngược lại, nếu tìm được công thức cân bằng giữa các lợi ích khu vực, giữa cường quốc và nước đang phát triển, giữa cải cách và hợp tác, thì BRICS hoàn toàn có thể trở thành “cây cầu kết nối” những lực lượng địa kinh tế đang nổi, góp phần định hình một trật tự thế giới công bằng hơn.
Các nhà phân tích của Quỹ Carnegie nhận định, BRICS+ có thể trở thành nền tảng quan trọng để thúc đẩy cải cách toàn cầu – từ vấn đề tài chính, khí hậu đến công nghệ, song cần tránh “con đường nguy hiểm” đối với hệ thống đa phương toàn cầu.
Như vậy, BRICS+ đang từng bước xây dựng một trục hợp tác mới – vừa là cơ hội, vừa là thách thức với các quốc gia đang phát triển. Tương lai của khối sẽ không chỉ phụ thuộc vào cách thế giới phản ứng thế nào với sự trỗi dậy của những cấu trúc quyền lực mới, mà còn phụ thuộc vào nội lực và sự đồng thuận.