xuân

Tp.HCM dự kiến kéo dài đường Võ Văn Kiệt đến Long An thêm 14,6km, xây 6 cầu vượt sông

Mới đây, Sở Xây dựng Tp.HCM đã có báo cáo về tình hình thực hiện dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài.

Theo đó, Tp.HCM dự kiến sẽ kéo dài đường Võ Văn Kiệt thêm 14,6km, từ Quốc lộ 1 đến ranh giới tỉnh Long An nhằm tăng cường kết nối liên vùng giữa TP.HCM với Long An. Điểm đầu tuyến giao cầu vượt quốc lộ 1 trên đường Võ Văn Kiệt, huyện Bình Chánh; điểm cuối tại ranh tỉnh Long An - trùng với điểm đầu dự án ĐT.823D.

Ngày 12/12/2024 của UBND Tp.HCM, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cho dự án này. Dự án nằm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2026–2030 với mục tiêu kết nối hiệu quả TP.HCM với tỉnh Long An và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông sẽ là đơn vị phối hợp và là chủ đầu tư dự kiến.

Về quy mô đầu tư dự án, tuyến đường Võ Văn Kiệt hiện hữu sẽ được nối dài thêm 14,6 km, bắt đầu từ điểm giao với cầu vượt Quốc lộ 1 (trên đường Võ Văn Kiệt hiện hữu) đến ranh giới tỉnh Long An tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Dự án đi qua các xã Tân Kiên, Tân Nhựt, Lê Minh Xuân và Bình Lợi (huyện Bình Chánh).

Dự án gồm ba đoạn. Đoạn 1 (2,7km) từ cầu vượt quốc lộ 1 đến đường Võ Trần Chí. Đây là phần đã có dự án đầu tư và khởi động từ năm 2015 nhưng gặp nhiều vấn đề, bị chấm dứt hợp đồng BOT vào tháng 11/2024 khi mới đạt 12%.

Đoạn 2 (6,6km) từ Võ Trần Chí đến vành đai 3 đi qua Tân Tạo, Tân Kiên.

Đoạn 3 (5,3km) từ vành đai 3 đến tỉnh Long An, nơi giao với tỉnh lộ ĐT.823D (Long An).

Tuyến đường nối dự kiến được xây dựng theo tiêu chuẩn trục chính đô thị với vận tốc 80 km/giờ làn xe cơ giới và 60 km/giờ cho làn hỗn hợp. Ngoài đoạn đầu dài 2,7 km đã xác định chiều rộng khi đầu tư hoàn thiện là 60 m, phần còn lại cũng dự kiến có quy mô tương tự.

Việc mở rộng kéo dài đường Võ Văn Kiệt đến giáp ranh Long An sẽ tác động tích cực đến bức tranh bất động sản "đôi bờ". Một số dự án bất động sản đã hiện hữu tại Q.Bình Tân, huyện Bình Chánh (Tp.HCM) hay tỉnh Long An sẽ được hưởng trực tiếp từ lộ trình hạ tầng khu vực. Phải kể đến dự án KĐT Waterpoint 355ha của Nam Long khi nằm ngay điểm giao với Vành đai 4 đang được thúc đẩy triển khai; kết nối liền mạch đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 và các hạ tầng trọng điểm khác. Khi hạ tầng khu vực hoàn thiện đồng bộ trong giai đoạn 2025-2026, dự án này dự báo sẽ gia tăng mạnh về giá. 

Ngoài các phương án trên, trên tuyến mở rộng Võ Văn Kiệt đến Long An dự kiến được xây dựng các cầu vượt sông, gồm: Cái Trung, Hưng Nhơn, Láng Le Bàu Cò, Kênh A, An Hạ - Xáng An Hạ. Dự án cũng bao gồm xây nút giao với Vành đai 3 nhằm kết nối đồng bộ giữa hai tuyến đường.

Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, tổng mức đầu tư toàn tuyến đường nối dài 14,6 km hiện được tính toán sơ bộ gần 19.400 tỉ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn với khoảng 12.875 tỉ, phần xây lắp 3.769 tỉ đồng. Còn lại dành cho các chi phí dự phòng, tư vấn...

Trước đó, chủ trương bổ sung quy hoạch đường nối Võ Văn Kiệt - Hải Sơn - Tân Đô đã được lãnh đạo Tp.HCM và Long An thống nhất, đồng thời cập nhật vào các đồ án quy hoạch liên quan. Về phía thành phố, phương án của Sở Xây dựng (thời điểm báo cáo là Sở GTVT) đề xuất đoạn kéo dài dự kiến khoảng 12,5 km kết hợp đầu tư đồng bộ nút giao với Vành đai 3, tổng mức đầu tư sơ bộ 8.400 tỉ đồng.