Tại phiên họp lần thứ 3 (ngày 10/3/2025) của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lưu ý, tính đến 31/10/2025, hạn cuối để cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, chỉ còn khoảng 220 ngày.
Trong khi đó, cả nước cần phải hoàn thành hơn 100.000 căn. Như vậy, bình quân cả nước mỗi ngày phải xóa trên 450 căn. Nhiệm vụ là rất nặng nề, khó khăn nên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nỗ lực cao, quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; phân công theo tinh thần "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả).
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị, để hoàn thành mục tiêu, cần phát huy tinh thần ai có gì giúp nấy, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít, ai có công giúp công, ai có của giúp của; phải huy động sức người, sức của tại địa phương, sự giúp đỡ của người dân, họ hàng, làng xóm, các tổ chức chính trị - xã hội… để thực hiện mục tiêu đề ra.
Gợi mở của người đứng đầu Chính phủ đã tiếp thêm động lực, sự quyết tâm cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp để hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát. Nhất là đối với những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, còn nhiều nhà tạm, nhà dột nát, việc huy động tất cả mọi nguồn lực để "về đích" mục tiêu đề ra đang là yêu cầu cấp bách.

Phiên họp lần thứ 3 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chiều ngày 10/3/2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đơn cử Hà Giang - một trong những tỉnh nghèo của cả nước, đời sống của đại bộ phận người dân còn khó khăn nên ngoài kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thì việc huy động vốn đối ứng của gia đình rất hạn chế. Trong tình hình đó, ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiều cách làm hiệu quả; trong đó có hình thức "đổi công" để cùng xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Theo đơn giá nhân công xây dựng trên địa bàn tỉnh được phê duyệt theo Quyết định số 311/QĐ-SXD của Sở Xây dựng Hà Giang, một ngày công xây dựng ở địa bàn TP. Hà Giang thấp nhất là hơn 243.000 đồng; ở các huyện thấp nhất là 237.000 đồng. Ước tính, để xây dựng một căn nhà bảo đảm "3 cứng" (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) sẽ phải mất từ 120 đến 300 ngày công lao động, tùy vào quy mô nhà. Như vậy, để hoàn thành một ngôi nhà, ít nhất cũng cần 30 triệu đồng tiền công; còn nhiều phải hơn 60 triệu đồng, vượt quá số tiền hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Trước tình hình đó, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã vận động nhân dân "đổi công", huy động lực lượng tại chỗ tham gia xóa nhà tạm. Cùng với vốn hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, những ngôi nhà "3 cứng" đong đầy tình làng, nghĩa xóm đang hiện hữu ở vùng cao núi đá; số đã đưa vào sử dụng, số đã được khởi công và đang gấp rút hoàn thiện.
Việc "đổi công" đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn Hà Giang. Qua rà soát, toàn tỉnh có 10.688 hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm; trong đó có 2.943 nhà được hỗ trợ theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động; số còn lại được hỗ trợ từ vốn 2 Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách cho Người có công.
Tính đến ngày 4/4/2025, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 4.222/10.688 nhà; trong đó 2.567 nhà đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đặc biệt, trong 2.943 nhà thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước thì Hà Giang đã thực hiện hỗ trợ được 2.921 căn.
Như vậy, Hà Giang chỉ còn 22 căn nhà nữa là "về đích" Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Hiện tỉnh đã có 4 địa phương hoàn thành 100% chương trình, gồm huyện Đồng Văn (89 nhà), Hoàng Su Phì (207 nhà), Quang Bình (161) và TP. Hà Giang (8 nhà).

Việc “đổi công” góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại một số địa phương
Chủ động trong nguồn lực
Với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, việc bố trí nguồn lực để thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là không hề đơn giản. Bởi ngoài nhiệm vụ chính trị này, các địa phương còn phải cân đo, đong đếm từng đồng vốn ngân sách nhà nước để triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, góp phần cùng cả nước hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng từ hai con số trở lên.
Thấu hiểu khó khăn đó, tại phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn vốn sự nghiệp năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; phân bổ kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với Người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Dân tộc và Tôn giáo phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các địa phương rà soát, đề xuất điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động tại Chương trình phát động và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 phù hợp với nhu cầu thực tế qua rà soát.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục vận động các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tích cực tham gia xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Các địa phương tiếp tục có giải pháp huy động, vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ các hộ dân tiết kiệm chi phí nhân công xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là mệnh lệnh hành chính đối với cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời là lời kêu gọi với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và toàn xã hội. Thực tiễn cho thấy, ở một số địa phương, với sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp ngoài nhà nước, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nói riêng, việc hỗ trợ an cư cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nói chung được "an cư" đã và đang đạt được những kết quả tích cực.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã và đang trở thành một phong trào toàn diện, huy động, tập trung được đa dạng các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp
Như tỉnh Lạng Sơn, mặc dù những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, sản xuất kinh doanh gặp không ít khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, theo Nghị quyết 188-NQ/TU ngày 25/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn.
Theo số liệu của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, tính đến đầu tháng 3/2025, đơn vị đã đã tiếp nhận được trên 170 tỷ đồng, trong đó gần 148 tỷ đồng (gần 133 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật trị giá 15 tỷ đồng) do doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ. Với sự chung tay đó, tính đến đầu tháng 3, toàn tỉnh đã có 928/951 căn nhà xây mới được hoàn thành đưa vào sử dụng, đạt 97,58%; có 551/1.521 nhà đã sửa chữa xong, 261/1.521 nhà đang sửa chữa.
Hay tỉnh Lào Cai có hơn 11.000 hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có công với cách mạng cần được hỗ trợ để xóa nhà tạm, nhà dột nát, tổng kinh phí hỗ trợ để thực hiện mục tiêu này trên 570 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ nên tỉnh Lào Cai đã kêu gọi sự chung tay, góp sức của cộng đồng, doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2024, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đăng ký hỗ trợ tỉnh, với số tiền cam kết khoảng 136 tỷ đồng.
Tỉnh Lào Cai quyết tâm "về đích" Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/5/2025. Vì vậy, tỉnh đang tiếp tục kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hưởng ứng, ủng hộ Chương trình.
Có thể thấy, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã và đang trở thành một phong trào toàn diện, huy động, tập trung được đa dạng các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và nhân dân, mục tiêu cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/10/2025 chắc chắn sẽ đạt được.
Kết luận phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Dân tộc và Tôn giáo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2023; đồng thời theo dõi sát, kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền biểu dương những cách làm hay, gương điển hình và xem xét kỷ luật những trường hợp chậm tiến độ, không tích cực trong thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
Sơn Hào